Khi đang ở tuổi trăng tròn, Hương bỗng thấy người mệt mỏi, tích nước dưới da và đi khám thì nhận kết quả khiến cô và cả gia đình bàng hoàng.
Thu Hương (ở Hà Nội) vừa bước sang tuổi 22 nhưng đã có thâm niên chạy thận hơn 5 năm, cô cũng là nữ bệnh nhân trẻ tuổi nhất đang chạy thân tại Bệnh viện Nông Nghiệp (Thanh Trì, Hà Nội). Có ngoại hình ưa nhìn, gương mặt khả ái và nếu nhìn bề ngoài ít ai biết rằng Hương đang phải sống nhờ vào máy móc, một tuần lọc máu chu kỳ 3 lần.
Chỉ vào những nốt u cục trên cánh tay, Hương đau xót nói: “Bệnh tật đã khiến em đau đớn, nó cũng lấy đi thanh xuân và bao hoài bão của em”. Cô gái quê Phú Xuyên chia sẻ, từ nhỏ đến trước khi phát hiện ra bệnh, sức khỏe của Hương rất tốt, chưa từng phải đi viện. Đến năm 16 tuổi, khi vừa bước vào học THPT, Hương bỗng thấy người phúng phính, ấn ngón tay lên da thì có cảm giác như bị tích nước nên đi khám.
Hương ân hận vì sự chủ quan của mình khiến thận bị mất chức năng hoàn toàn. Ảnh: Lê Phương.
“Hôm đó đi khám em vẫn hồn nhiên, vì trước đó em không hề có vấn đề gì về sức khỏe, không bị ốm gì. Khi khám xong bác sĩ thông báo em bị suy thận giai đoạn 3, thận đã teo nên không sinh thiết được, vì thế cũng không biết được nguyên nhân là gì. Nghe tin ấy, cả gia đình em suy sụp, nhưng bác sĩ động viên em và người thân vượt qua giai đoạn khó khăn nhất, với hy vọng sẽ bảo tồn được hai quả thận”, Hương nhớ lại.
Thời gian sau đó, dù ăn uống, sinh hoạt theo tư vấn của bác sĩ nhưng Hương cũng chỉ bảo tồn được thận 6 tháng, đi khám lại bác sĩ chỉ định cô phải chạy thận nhân tạo. Kể từ đó đến nay đã hơn 5 năm, Hương phải vào viện chạy thận nhân tạo để duy trì sự sống.
Hương thừa nhận, bản thân cô không biết gì về bệnh, trong tiềm thức của cô gái trẻ này suy thận hay chạy thận là căn bệnh của người già, nhưng không hiểu sao một người trẻ khỏe như cô lại có thể mắc phải. Cũng chính căn bệnh này đã khiến Hương vụn vỡ bao ước mơ, hoài bão khi phải nghỉ học từ năm lớp 10 và giấc mơ được trở thành cô giáo cũng tiêu tan.
Bác sĩ Hải cho biết, nữ bệnh nhân trẻ đang trong danh sách chờ ghép thận. Ảnh: Lê Phương.
“Hiện em ở trong diện được ghép thận vì tuổi còn trẻ, nhưng bố mẹ em đều bị cao huyết áp nên em chỉ có thể đợi nguồn tạng hiến. Hơn 5 năm qua, em vẫn mòn mỏi chờ đợi, mong được ghép thận sớm để được trở lại cuộc sống bình thường, và thực hiện những giấc mơ còn dang dở. Hiện em cũng chẳng dám nghĩ tới chuyện yêu đương vì cơ thể bệnh tật, sợ là gánh nặng cho ai đó muốn đến với mình”, Hương nói.
BSCK II Lê Quang Hải, Trưởng khoa Thận-Tiết niệu-Lọc máu (Bệnh viện Nông Nghiệp) cho biết, với những bệnh nhân trẻ chạy thận nhân tạo, bệnh viện sẽ lập danh sách chờ ghép thận, với hy vọng họ sẽ được ghép sớm để nâng cao chất lượng sống.
Theo bác sĩ Hải, việc người trẻ bị suy thận giai đoạn cuối, thận teo nguyên nhân chủ yếu là do chủ quan, bỏ qua dấu hiệu cảnh báo ban đầu, không khám sức khỏe để phát hiện sớm… Hay nhiều trường hợp khi phát hiện bị suy thận ở giai đoạn sớm, bác sĩ tư vấn cách ăn uống, sinh hoạt nhưng không thực hiện, làm quá trình suy thận diễn ra nhanh hơn và khi mất chức năng thì bắt buộc phải lọc máu.
Bác sĩ Hải khuyến cáo, ngoài quản lý bệnh nền, khám sức khỏe định kỳ thì mọi người cần tuân thủ chế độ ăn để phòng bệnh. Ảnh: Lê Phương.
“Rất nhiều trường hợp suy thận chưa đến mức chạy thận nhưng không tuân thủ lời khuyên của bác sĩ, sau đó 6 tháng, đến 1 năm thì tình trạng nặng hơn buộc phải chỉ định chạy thận. Ngược lại, có những trường hợp bị suy thận giai đoạn 3, họ tuân thủ nghiêm ngặt theo hướng dẫn của bác sĩ và duy trì được cả chục năm không cần chạy thận, chỉ đi khám sức khỏe định kỳ”, bác sĩ Hải cho hay.
Vì vậy, bác sĩ khuyến cáo, người suy thận ngoài quản lý tốt vấn đề tăng huyết áp, kiểm tra sức khỏe định kỳ thì chế độ ăn uống rất quan trọng. Người bệnh cần uống đủ nước theo khuyến cáo, không ăn mặn và phải được bác sĩ xây dựng chế độ ăn phù hợp. “Chúng tôi không khuyên bệnh nhân kiêng khem quá kỹ các thực phẩm, mà tư vấn họ ăn đa dạng nhưng cần có kiểm soát. Ví dụ như thịt đỏ vẫn có thể ăn, nhưng chỉ với lượng rất ít chứ không “thả phanh”, bác sĩ Hải tư vấn.
Bệnh thận