885184A6A2 Jpeg

Việt Nam lần đầu giới thiệu công nghệ đột phá tại APAC 2023

Tự hào hai tiếng Việt Nam

Trong hai ngày 25 và 26/7/2023, Hội nghị và triển lãm “Kết nối công nghệ Hydro xanh khu vực châu Á – Thái Bình Dương (APAC) năm 2023” được tổ chức thành công tại Trung tâm Hội nghị và Triển lãm Melbourne.

Tham dự hội nghị có trên 2.000 đại biểu đến từ hơn 20 quốc gia, bao gồm đại biểu đại diện cho Chính phủ Úc; Đại diện Liên minh châu Âu; Đại diện các Chính phủ: Nhật Bản, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam; Giám đốc, chủ tịch các tập đoàn năng lượng và công nghiệp hàng đầu thế giới…

Ông Nguyễn Hồng Huệ (Peter Hồng) tham luận tại hội nghị.

Phát biểu tại hội nghị, ông Peter Hồng, Ủy viên UBTƯMT Tổ quốc Việt Nam, Phó Chủ tịch Thường trực, kiêm Tổng Thư ký BAOOV, Chủ tịch tập đoàn KOGI chia sẻ: “Tôi rất tự hào vì hai tiếng “Việt Nam” được xướng lên tại một hội nghị lớn trong khu vực châu Á – Thái Bình Dương về năng lượng xanh, năng lượng tái tạo; tự hào vì lần đầu tiên có một tập đoàn mới (KOGI) của Việt Nam gồm các nhà nghiên cứu người Việt Nam cả trong và ngoài nước đang sở hữu sáng chế “Hệ thống và phương pháp sản xuất khí Hydro cung cấp cho động cơ đốt trong” đã được Mỹ cấp bằng sáng chế và bảo vệ sở hữu trí tuệ toàn cầu ngày 25/7/2023, được một số nhà nghiên cứu, tập đoàn công nghệ năng lượng, ô tô hàng đầu quan tâm tìm hiểu, mong muốn hợp tác”.

Tham gia thảo luận về nội dung “Ổn định công suất và giảm chi phí sản xuất Hydro thông qua đổi mới công nghệ để đảm bảo tính ứng dụng của Hydro; Con đường thiết lập mạng lưới vận chuyển Hydro toàn cầu và kho lưu trữ thông minh”, ông Peter Hồng giới thiệu một cách tổng quát những ưu thế nổi trội của công nghệ sản xuất Hydro xanh cộng do người Việt Nam nghiên cứu, sản xuất và đưa vào sử dụng.

Đồng thời giới thiệu về tiềm năng, thế mạnh, sự đổi mới quan tâm của Đảng, Nhà nước Việt Nam trong đẩy mạnh các chính sách về tăng cường nghiên cứu, hợp tác, thu hút, đầu tư, chuyển giao, phát triển công nghệ Hydro xanh và một số sản phẩm công nghệ năng lượng xanh khác hướng mục tiêu có mức phát thải ròng bằng không (Net zero) vào năm 2050.

Bên lề hội nghị, Đoàn Công tác đã tiếp xúc, trao đổi với đại diện EU, Chính phủ Úc, Nhật Bản, Hàn Quốc, giám đốc các tập đoàn và Giáo sư Michael Brear, Giám đốc Viện Năng lượng Melbourne, Đại học Melbourne (Australia) để tham khảo kinh nghiệm, tìm hiểu và kết nối với những tập đoàn hàng đầu thế giới về năng lượng sạch, công nghệ sản xuất Hydro xanh.

Tăng cường thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam và Úc

Hội nghị và triển lãm “Kết nối công nghệ Hydro xanh APAC năm 2023” diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và Úc đang tổ chức các hoạt động kỷ niệm 50 năm quan hệ Việt Nam – Úc (1973-2023), thúc đẩy quan hệ đối tác chiến lược lên đối tác chiến lược toàn diện vào thời điểm thích hợp; đặc biệt khi Thủ tướng Australia Anthony Albanese vừa công bố gói hỗ trợ 105 triệu AUD cho quy hoạch cơ sở hạ tầng bền vững, phát triển các nguồn năng lượng sạch và ngành khai khoáng Việt Nam.

Đây chính là cơ sở để giúp Việt Nam tránh được sức ép về “Net zero”, tiếp cận được với những đối tác, tập đoàn hàng đầu về sản xuất công nghệ của Úc cũng như các nước phát triển trong hợp tác sản xuất, chuyển giao công nghệ của hai quốc gia hiệu quả trong quá trình đạt cân bằng phát thải vào năm 2050 bằng nguồn ODA này.

ViệT Nam LầN đầU GiớI ThiệU CôNg Nghệ độT Phá TạI Apac 2023 - ẢNh 2.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ và lãnh đạo tập đoàn KOGI tham gia hội nghị.

Được biết, trong chiến lược phát triển từ nay đến năm 2027, tầm nhìn 2030, Chính phủ Úc đầu tư 300 tỷ Đô la Úc, các nước châu Âu và Mỹ đầu tư hàng nghìn tỉ đô la cho nghiên cứu, sản xuất Hydrogen xanh phục vụ hiệu quả cho việc bảo đảm an ninh năng lượng khu vực và toàn cầu.

Lãnh đạo Tập đoàn KOGI đánh giá cao vai trò của Bộ Khoa học Công nghệ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam trong tham mưu, đề xuất với Chính phủ các giải pháp để tổ chức thực hiện cam kết đưa phát thải ròng về bằng không vào năm 2050.

Để thực hiện tốt vai trò là trung tâm tái tạo năng lượng của khu vực và trên thế giới, lãnh đạo Tập đoàn KOGI đề nghị Đảng, Nhà nước cần có chính sách đặc thù, ưu tiên đặc biệt cho các lực lượng tham gia thực hiện Đề án bảo đảm an ninh năng lượng.

Ban tư vấn của Chính phủ về thực hiện đề án đảm bảo an ninh năng lượng, ngoài đại diện cơ quan chức năng của các bộ, ngành liên quan, cần có thêm các thành phần là các chuyên gia hàng đầu về công nghệ năng lượng xanh, người đứng đầu một số tập đoàn trong nước cũng như nước ngoài về công nghệ năng lượng, doanh nhân, trí thức kiều bào… để tham mưu cho Chính phủ các giải pháp hiệu quả, nhanh, thiết thực.

Đồng thời, Đảng, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách đặc thù khuyến khích, ưu tiên, hỗ trợ các nhà khoa học, các tập đoàn, công ty Việt Nam tiên phong nghiên cứu, sản xuất, ứng dụng các sáng chế, sản phẩm công nghệ không chỉ về năng lượng và môi trường mà còn các sáng chế khác, phục vụ hiệu quả cho công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *