Tình huống khẩn cấp xuất hiện trong quá trình thử nghiệm tên lửa đã làm lộ ra vụ bê bối lớn của nhà máy chuyên sản xuất động cơ tên lửa Nga.
‘Rúng động’ ngành công nghiệp tên lửa
Theo tờ Kommersant, trong chuyến thăm tới Nhà máy cơ khí Voronezh (VMZ) tháng 1/2017, ông Dimitry Rogozin – khi ấy là Phó thủ tướng Nga – đã yêu cầu tiến hành cuộc điều tra nội bộ sự việc khiến VMZ buộc phải thu hồi động cơ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của tên lửa đẩy Proton-M.
Tại cơ sở của VMZ, ông Rogozin đã có cuộc họp đột xuất với lãnh đạo Cơ quan vũ trụ Liên bang Nga (Roscosmos) về vụ việc. Các thông tin trước đó cho biết, động cơ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 của tên lửa đẩy Proton-M (RD-0210/0211 và RD-0213/0214 bị thu hồi do vi phạm công nghệ chế tạo.
“Những người đã cho phép sai phạm diễn ra cần được xác định rõ danh tính. Họ hoàn toàn hiểu hành động của mình có thể dẫn tới hậu quả gì, tai nạn gì, thậm chí tử vong, nhưng vẫn làm” – Ông Rogozin nhấn mạnh – “Tất cả những người đã thay thế công nghệ sẽ bị trừng phạt nghiêm khắc. Ba tên lửa Proton-M sẽ bị tháo dỡ. Động cơ giai đoạn 2 và giai đoạn 3 sẽ được thay thế”.
Mọi chuyển khởi phát từ tháng 12/2016, trong quá trình thử nghiệm động cơ giai đoạn 2 của Proton-M, một tình huống khẩn cấp đã xảy ra. Kết quả điều tra sơ bộ nguyên nhân sự cố cho thấy, các thành phần không phù hợp đã được sử dụng trong quá trình lắp ráp sản phẩm.
Đáng nói, trong 3 năm liên tiếp, Proton-M đều ghi nhận các sự cố. Vào ngày 16/5/2015, Proton-M đã thất bại khi thực hiện nhiệm vụ phóng tàu vệ tinh liên lạc MexSat-1 của Mexico lên quỹ đạo do ổ trục trong bơm phản lực động cơ giai đoạn 3 của tên lửa gặp trục trặc. Một năm trước đó, ổ trục bị lỗi của Proton-M cũng đã phá hủy vệ tinh liên lạc Express-AM4R của Nga.
Nguồn tin của tờ Kommersant cho biết, trong vụ việc xảy ra năm 2016, thay vì sử dụng vật liệu có chứa kim loại quý trên động cơ của tên lửa Proton-M, VMZ đã dùng các vật liệu có khả năng chịu nhiệt kém hơn.
Giới chức Nga đã phải huy động NPO Energomash – một doanh nghiệp chế tạo động cơ khác – để tiến hành kiểm tra kỹ thuật đối với tất cả các động cơ được sản xuất tại VMZ, phần nào giúp khắc phục sự cố.
Mặc dù vụ việc chưa gây ra hậu quả nghiêm trọng nhưng sai phạm của VMZ đã làm ảnh hưởng xấu tới thời điểm phóng tên lửa Proton-M của Nga, buộc mọi kế hoạch phải lùi lại.
Các cơ quan thực thi pháp luật như Cơ quan an ninh liên bang Nga (FSB) và Văn phòng công tố đã được chính phủ Nga điều động để điều tra vụ việc. Nhiệm vụ của họ là tìm ra đáp án cho câu hỏi: Tại sao việc thay thế nguyên vật liệu lại qua mắt được đơn vị chịu trách nhiệm kiểm soát chất lượng? Rõ ràng, các tài liệu được ký bởi thanh tra viên kiểm tra chất lượng đều xác nhận rằng các động cơ RD-0210/0211 và RD-0213/0214 “ở trong tình trạng hoàn hảo”.
Tính đến tháng 4/2017, số động cơ VMZ bị thu hồi đã lên tới 71 động cơ.
Vàng đã đi đâu?
Theo tờ Vesti, sai phạm của VMZ khi chế tạo động cơ tên lửa đã khiến nhiều phía có liên quan nổi giận.
Ông Igor Burenkov – đại diện của Roscosmos cho biết, vụ việc đã khiến Roscosmos phải chịu lỗ, tuy nhiên, điều quan trọng hơn cả là nó ảnh hưởng tới các nhiệm vụ liên quan đến khả năng phòng thủ của đất nước. Nếu phát sinh trường hợp khẩn cấp trong không gian, thiệt hại có thể lên tới hàng tỷ rúp.
Vesi dẫn lời chuyên gia làm rõ, nếu động cơ tên lửa không được chế tạo theo đúng công nghệ thì tên lửa sẽ phát nổ khi được phóng đi, không lên được quỹ đạo, hoặc không đưa được vệ tinh lên quỹ đạo đã định. Mỗi tên lửa thiệt hại có thể làm tiêu tốn hàng triệu USD.
Thiệt hại quá rõ ràng, vì thế, bê bối của VMZ còn khiến giới chuyên môn hết sức kinh ngạc.
“Trong khoa học tên lửa nói riêng, và khoa học không gian nói chung, đều có 1 quy tắc: Không có sự thay thế tương đương nào cho các bộ phận. Tức là, nếu công nghệ chỉ định rằng bộ phận này phải dùng vàng, thì tuyệt nhiên không được thay thế bằng thứ gì khác” – Ông Vasily Petrov – Phó thiết kế trưởng của Khoa Nghiên cứu khoa học vũ trụ, Viện vật lý hạt nhân, Đại học Lomonosov cho hay.
“Có những đặc tính của vật liệu không thể thay thế. Ví dụ, nếu chúng ta xét đến độ dẫn điện thì vàng ở vị trí thứ 3, sau bạc và đồng. Vàng được sử dụng trong chế tạo tên lửa không phải là vàng nguyên chất, mà là hợp kim với iridium (một trong những kim loại hiếm nhất trong vỏ Trái Đất) hoặc một số kim loại khác. Đây là bí quyết của mọi quy trình sản xuất. Việc thay thế bằng các vật liệu khác đều không khả thi” – Ông Vadim Tarasov, chuyên gia về Vàng & Kim loại không chứa sắt cho hay.
Trong quá trình thử nghiệm ở VMZ, các cơ quan điều tra nhận thấy, các vật liệu bị thay thế trong động cơ tên lửa đều nhanh chóng bị chảy ra do chịu nhiệt kém. Vậy thì số vàng vốn dĩ thuộc về các động cơ tên lửa này đã đi đâu?
“Có những quy định về công nghệ cần tuân thủ triệt để” – Ông Burenkov nói.
Ông Igor Afanasyev – biên tập viên của tạp chí News of Cosmonautics – thì bày tỏ quan điểm rằng, các động cơ Proton bị thu hồi đều là kết quả hợp tác sản xuất của nhiều nhà máy và nhà cung cấp phụ tùng. Song, bất cứ thay đổi nào cũng phải được thống nhất với nhà phát triển.
“Số động cơ này được phát triển vào những năm 1960, kể từ đó, số lượng nhà cung cấp đã giảm đáng kể. Doanh nghiệp buộc phải thay thế loại thép hiện không còn bằng một số loại thép khác. Tuy nhiên, mọi thay đổi luôn phải được thống nhất với nhà phát triển động cơ” – ông Afanasyev cho hay.
“Năm 2017, toàn bộ lực lượng tên lửa Nga gần như ‘bị xích dưới mặt đất'” – Ông Anatoly Zak, tổng biên tập của trang web Russianspaceweb.com bình luận, đề cập tới hệ lụy do vụ bê bối của VMZ gây ra.
Trừng phạt nghiêm khắc
Theo tờ Gazeta, sau vụ việc, Tổng giám đốc VMZ Ivan Koptev đã từ chức, đồng thời VMZ chuyển sang hoạt động dưới quyền kiểm soát của NPO Energomash. Tuy nhiên, hệ lụy để lại vẫn là những nghi ngờ về chất lượng đối với tên lửa đẩy Proton và Soyuz.
Động cơ mà VMZ sản xuất cho tên lửa Soyuz cũng hoạt động không tốt. Năm 2016, động cơ tên lửa đã gặp trục trặc khiến tàu vũ trụ chở hàng Progress MS-04 của Nga rơi trở lại bầu khí quyển và bị phá hủy khi đang chở 2,5 tấn nhiên liệu, cùng vật tư lên Trạm vũ trụ quốc tế (ISS).
Kết quả điều tra cụ thể về vụ việc không được tiết lộ, chỉ biết rằng, vào ngày 24/3/2017, phát biểu trên kênh Russia 24, ông Yuri Borisov – khi đó là Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga cho biết – cơ quan này đã áp dụng hình phạt đối với tất cả các doanh nghiệp làm gián đoạn đơn đặt hàng của Bộ Quốc phòng trong năm 2016.
Ông Borisov lấy ví dụ rằng, Bộ Quốc phòng Nga đã không nhận được 2 tên lửa Proton theo đúng hạn. Tuy nhiên, hình phạt cụ thể không được công bố.
Bước sang ngày 24/5/2017, VMZ thông báo đã kiểm tra và loại bỏ các lỗi trên lô động cơ đầu tiên bị phu hồi. Toàn bộ quá trình khắc phục dự kiến hoàn thiện vào năm 2018.
Tới ngày 17/8 cùng năm, hãng tin Sputnik dẫn thông báo từ Bộ Quốc phòng Nga cho biết, tên lửa đẩy hạng nặng Proton-M mang theo vệ tinh quân sự đã được phóng đi từ trạm vũ trụ Baikonur ở miền Nam Kazakhstan. Vệ tinh quân sự gắn trên đỉnh của bộ phận đẩy Briz-M đã tách ra khỏi tên lửa vào lúc 1 giờ 17 phút sáng (giờ địa phương) theo đúng như dự kiến.