Bộ chỉ tiêu này được xem là cơ sở để giám sát, đánh giá việc thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050; đồng thời, sẽ thúc đẩy các chủ thể trong nền kinh tế, nhất là các doanh nghiệp chuyển động theo xu thế xanh.
Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh bao gồm 72 chỉ tiêu, được xếp theo 4 mục tiêu của Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh từ việc giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP, cho đến phản ánh mức độ “xanh hoá” trong các ngành kinh tế. Bộ tiêu chí được xây dựng trên cơ sở tham khảo nhiều tài liệu của các tổ chức quốc tế như: Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB) và Viện Tăng trưởng xanh Toàn cầu (GGGI)…, nên rất hữu dụng với các doanh nghiệp nói chung, nhất là doanh nghiệp có vị thế xuất khẩu sang thị trường quốc tế.
Theo Thông tư số 10/2023/TT-BKHĐT, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh là cơ sở giám sát, đánh giá thực hiện Chiến lược quốc gia về tăng trưởng xanh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và cả nước. Cụ thể, Bộ chỉ tiêu thống kê tăng trưởng xanh sẽ bao gồm 4 mục tiêu chính.
Mục tiêu 1 là giảm cường độ phát thải khí nhà kính trên GDP.
Mục tiêu 2 là xanh hóa các ngành kinh tế, bao gồm các lĩnh vực: Năng lượng; giao thông vận tải; nông nghiệp; thương mại – dịch vụ; công nghệ; vốn đầu tư, trái phiếu, tín dụng: tài nguyên rừng; tài nguyên khoáng sản; tài nguyên nước.
Mục tiêu 3 là xanh hóa lối sống và thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Mục tiêu 4 là xanh hóa quá trình chuyển đổi trên nguyên tắc bình đẳng, bao trùm, nâng cao năng lực chống chịu.
Bộ Chỉ tiêu này áp dụng đối với cơ quan, tổ chức, cá nhân cung cấp thông tin thống kê, sản xuất thông tin thống kê và sử dụng thông tin thống kê về tăng trưởng xanh.
Là một trong những thị trường xuất khẩu quan trọng hàng đầu của Việt Nam, Liên minh châu Âu (EU) là khu vực đi đầu thế giới trong các nỗ lực chuyển dịch xanh và trung hòa phát thải trong những năm qua. EU đang và sẽ đặt ra nhiều tiêu chuẩn xanh khắt khe đối với hàng hóa nhập khẩu như: chiến lược “Từ nông trại tới bàn ăn”; thuế carbon tại biên giới (CBAM); Quy định về chống phá rừng (EUDR)… danh sách này tiếp tục được nối dài, chưa kể mỗi quốc gia thành viên lại có những hành động riêng để cụ thể hóa thoả thuận này.
Tuy nhiên, kết quả khảo sát nhanh thực hiện vào tháng 8/2023 của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho thấy, có tới 88 – 93% số người được hỏi chưa từng biết đến hoặc chỉ nghe nói sơ qua tới các chính sách xanh nổi bật của EU liên quan tới xuất khẩu Việt Nam.
Đáng chú ý, tỷ lệ các doanh nhân, cán bộ nhân viên, người lao động trong doanh nghiệp biết rõ về Thỏa thuận xanh EU chỉ ở mức 4%, thấp hơn nhiều so với các nhóm tham gia khảo sát khác.
TS. Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập thuộc VCCI cho biết, tiêu chí xanh sẽ có tác động không nhỏ đến hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Thách thức sẽ lớn hơn nhiều so với trước, bởi có thêm các tiêu chuẩn xanh mới, nâng cấp tiêu chuẩn hiện tại theo hướng cao hơn, khắt khe và khó khăn hơn nhiều hay mở rộng phạm vi áp dụng. Tùy từng doanh nghiệp, thách thức có thể là ở năng lực chuyển đổi công nghệ, kiểm soát chuỗi cung cấp, kỹ năng lao động hay năng lực giải trình, khai báo, lưu trữ thông tin, đặc biệt là khả năng chi trả hay đầu tư để chuyển đổi.
Mặc dù, có nhiều thách thức để đáp ứng tiêu chuẩn xanh mới của EU, nhưng theo TS. Nguyễn Thị Thu Trang, doanh nghiệp Việt Nam vẫn còn nhiều thời gian chuẩn bị, vì hầu hết các chính sách chưa có hiệu lực bắt buộc áp dụng, có lộ trình thực thi dài với mức độ yêu cầu sẽ được nâng dần lên.
Các chuyên gia kinh tế đánh giá, bên cạnh thách thức, các doanh nghiệp có nhiều điểm thuận lợi trong chuyển động theo xu hướng xanh do các bộ, ngành đang tích cực vào cuộc để cụ thể hoá mục tiêu phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.
TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế trung ương (CIEM) cho rằng, chủ động chuyển đổi xanh một cách đồng bộ và toàn diện có thể mang lại nhiều cơ hội cho các doanh nghiệp Việt Nam không chỉ ở thị trường EU mà còn ở các thị trường phát triển khác đang hành động tương tự EU như Hoa Kỳ, Anh, Nhật Bản, Australia…
Ban đầu, chuyển đổi xanh đòi hỏi đầu tư cao, nhưng cũng có thể là nhân tố giúp tiết giảm chi phí, nâng cao hiệu quả kinh doanh cho doanh nghiệp trong dài hạn.