Nhiều sở ngành không có đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng
Ngày 14-12, một lãnh đạo Thanh tra tỉnh Lâm Đồng xác nhận với phóng viên Báo Người Lao Động, đã có nhận báo cáo, tổng hợp thông tin liên quan đến theo đề nghị của Công an tỉnh Thái Bình.
Theo đó, Công an tỉnh Thái Bình đề nghị rà soát toàn bộ các kiến nghị, phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng ban Dân nguyện gửi đến UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương hoặc các sở ban ngành, đơn vị trực thuộc.
Giai đoạn rà soát từ thời điểm tháng 7-2016 đến nay. Phía UBND tỉnh Lâm Đồng đã giao các sở ngành, UBND các huyện, TP Đà Lạt, Bảo Lộc rà soát theo đề nghị nêu trên.
Theo tìm hiểu của phóng viên, đến nay đa số các sở ngành, địa phương đã rà soát và báo cáo không có phiếu chuyển đơn hoặc văn bản khác do ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện gửi đến.
Chỉ riêng huyện Lâm Hà có 1 vụ việc mà ông Lưu Bình Nhưỡng chuyển đơn và ký chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Ông Lưu Bình Nhưỡng chuyển đơn 1 trường hợp đến huyện Lâm Hà
Theo báo cáo của UBND huyện Lâm Hà, có nhận được 1 văn bản chuyển đơn ngày 16-5-2023 của Ban Dân nguyện gửi đến. Văn bản này được ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Phó trưởng Ban Dân nguyên Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Cũng tại văn bản này có các nơi gửi gồm: Trưởng ban Dân nguyện, UBND tỉnh Lâm Đồng, Đoàn ĐBQH tỉnh Lâm Đồng và UBND huyện Lâm Hà và bà P.T.D (thị trấn Đinh Văn, huyện Lâm Hà).
Trong đó, nội dung đơn của bà D. phản ánh việc UBND huyện Lâm Hà chậm trễ tính toán bồi thường, hỗ trợ đối với diện tích 86 m2 đất khi nhà nước thu hồi đất của gia đình bà tại Trạm quản lý thủy nông huyện Lâm Hà, theo quyết định số 57-QĐ-UBND ngày 16-12-2019 của Chủ tịch UBND huyện Lâm Hà về việc giải quyết khiếu nại của bà D.
“Ban Dân nguyện chuyển đơn và tài liệu kèm theo của bà P.T.D. đến Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng xem xét, chỉ đạo giải quyết theo thẩm quyền, khách quan, đúng quy định của pháp luật, trả lời công dân và báo cáo kết quả giải quyết đến Ban Dân nguyện để thực hiện nhiệm vụ giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo của Ủy ban Thường vụ Quốc hội” – nội dung mà ông Lưu Bình Nhưỡng ký với chức vụ Phó trưởng ban Dân nguyện gửi.
Đang giải quyết văn bản ông Lưu Bình Nhưỡng gửi đến
Theo tìm hiểu, vụ việc mà ông Lưu Bình Nhưỡng chuyển đơn của bà P.T.D đang được UBND huyện Lâm Hà giải quyết.
Gần đây nhất, UBND huyện Lâm Hà có văn bản số 541/UBND-TD ngày 7-11-2023 yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương kiểm tra, tham mưu giải quyết dứt điểm đơn của bà D.
Văn bản 541/UBND-TD nêu: “Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương tham mưu UBND huyện văn bản xin lỗi công dân do chậm trễ trong việc trả lời đơn đồng thời xử lý trách nhiệm chậm trễ. Trong đó nêu rõ trách nhiệm của từng cá nhân có liên quan khi không thực hiện ý kiến chỉ đạo của UBND huyện”.
Tuy nhiên, đến nay đã quá thời hạn giải quyết (ngày 7-11), UBND huyện Lâm Hà yêu cầu Phòng Tài nguyên và Môi trường khẩn trương thực hiện nhiệm vụ được giao theo các văn bản chỉ đạo, thực hiện xong trước ngày 15-11-2023.
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt vì liên quan đến tội “Cưỡng đoạt tài sản”
Ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi, trú tại quận Tây Hồ, TP Hà Nội) là tiến sĩ luật kinh tế, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) thuộc Đoàn Đại biểu tỉnh Bến Tre, ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Từ tháng 9-2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện.
Ngày 14-11, Công an tỉnh Thái Bình đã khởi tố, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”. Nơi ở, nơi làm việc của ông Lưu Bình Nhưỡng cũng bị khám xét.
Việc khởi tố là từ kết quả sau quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi; biệt danh Cường “quắt”; ngụ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cùng hành vi cưỡng đoạt tài sản.