Ad47C093C0 Jpeg

Thực tế buồn khi nghệ sĩ Việt không thiết tha danh hiệu NSND

Danh sách NSND, NSƯT trong đợt xét tuyển lần thứ 10 sau khi công bố đã gây không ít tranh cãi. Theo đó những nghệ sĩ tên tuổi như NSƯT Thanh Quý từ bỏ làm hồ sơ xét duyệt, NSƯT Chí Trung , NSƯT Đỗ Kỷ… trượt danh hiệu NSND.

Tuy nhiên, đối với mỗi trường hợp lại có lý do và câu chuyện phía sau. Nếu như nghệ sĩ Chí Trung trượt danh hiệu NSND do thiếu huy chương thì hồ sơ của nghệ sĩ Đỗ Kỷ bị xếp lại do có đơn thư khiếu nại.

ThựC Tế BuồN Khi Nghệ Sĩ ViệT KhôNg ThiếT Tha Danh HiệU Nsnd - ẢNh 1.

NSƯT Đỗ Kỷ trượt danh hiệu NSND do có đơn thư khiếu nại. Ông đã làm đơn xin cứu xét gửi các cấp.

Trong khi đó, NSƯT Thanh Quý không được đề nghị xét tặng danh hiệu NSND ở lĩnh vực điện ảnh do không đóng phim điện ảnh, không có cơ hội tham gia các hội diễn, liên hoan nghệ thuật để giành huy chương. Tuy nhiên, nữ nghệ sĩ không thiết tha làm đơn xin xét tặng bởi với bà, ở tuổi này, được làm nghề đã là một hạnh phúc lớn.

Xoay quanh câu chuyện xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT, Tiền Phong có cuộc trò chuyện với PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Cơ chế “xin – cho” có bỏ lọt người tài?

Theo PGS.TS Bùi Hoài Sơn đối với nhiều nghệ sĩ, danh hiệu NSND, NSƯT thực sự rất danh giá, là mục tiêu phấn đấu của cả cuộc đời làm nghệ thuật. Trong bối cảnh hiện nay, danh hiệu NSND, NSƯT cũng có thể được xem như một thương hiệu cá nhân. Đó là lý do có nhiều nghệ sĩ phấn đấu cho những danh hiệu này và khi không đạt được mơ ước của mình, họ có những thất vọng, buồn bã nhất định.

Chuyên gia văn hóa phân tích việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT gây ồn ào nhiều năm nay vì nghệ sĩ luôn nhận được nhiều sự quan tâm của xã hội nên câu chuyện lại được nhân rộng hơn ra. Trong khi đó, quy định phong tặng danh hiệu không phải lúc nào cũng bao quát hết được những đa dạng, phức tạp của cuộc sống, có những quy định khá cứng nhắc nhưng lại có những quy định có độ linh hoạt nhất định.

“Không phải ai, lúc nào cũng hiểu hết được quy định, tiêu chí, thậm chí là mục đích tôn vinh NSND, NSƯT, khiến những tranh cãi này kéo dài qua nhiều năm”, chuyên gia nói.

ThựC Tế BuồN Khi Nghệ Sĩ ViệT KhôNg ThiếT Tha Danh HiệU Nsnd - ẢNh 2.

NSƯT Chí Trung 3 lần trượt danh hiệu NSND.

Trước ý kiến nhiều nghệ sĩ tên tuổi, lao động nghệ thuật chân chính, được khán giả yêu mến như Đỗ Kỷ, Thanh Quý, Chí Trung… đều không lọt vào vòng xét duyệt, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhấn mạnh: “Tôi không đi vào từng trường hợp cụ thể vì có thể mỗi trường hợp có lý do riêng, chỉ có những người xét duyệt mới đầy đủ thông tin. Nhưng tôi tin rằng qua nhiều khâu, nhiều bước, với nhiều người tham gia, việc xét duyệt danh hiệu NSND, NSƯT khá bài bản, kỹ lưỡng. Duy có điều khiến tôi lo ngại là chất lượng của các giải thưởng để làm cơ sở xét công nhận NSND, NSƯT có thực sự thực chất hay không. Cơ chế xin – cho có thực sự bỏ lọt người có tài năng, cống hiến nhưng không có điều kiện làm hồ sơ, thủ tục hay không? Đây cũng là điều nhiều nhà quản lý của ngành đã lo lắng trong nhiều năm”.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn viện dẫn lời của nguyên Bộ trưởng Bộ Văn hóa – Thông tin (nay là Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) Phạm Quang Nghị đã viết trong cuốn hồi ký Đi tìm một vì sao của ông rằng: “Qua các lần bình xét, trao giải, trong đội ngũ văn nghệ sĩ luôn có những ồn ào, so bì, thắc mắc? Có một điều chắc chắn, việc bình xét, dù là có các cấp hội đồng, nhưng kết quả không bao giờ cũng là khách quan, kịp thời, đúng đắn”.

Hay: “Tôi luôn có cảm giác buồn và áy náy mỗi khi nhận được những lá đơn kiến nghị, khiếu nại, tố cáo việc này việc kia sau mỗi lần xét tặng”.

ThựC Tế BuồN Khi Nghệ Sĩ ViệT KhôNg ThiếT Tha Danh HiệU Nsnd - ẢNh 3.

PGS.TS Bùi Hoài Sơn – Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội.

Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết là thiếu sót

Trả lời câu hỏi các diễn viên điện ảnh như Thái Hòa, Trấn Thành… càn quét nhiều giải thưởng điện ảnh, mang về doanh thu nghìn tỷ cho điện ảnh Việt nhưng họ vẫn vô danh hiệu, còn những nghệ sĩ không nhiều người biết, vẫn là NSND,PGS.TS Bùi Hoài Sơn lý giải việc phong tặng danh hiệu NSND, NSƯT không chỉ nằm ở sự công nhận của thị trường hay bởi khán giả vì đây là phần thưởng cho tài năng và đóng góp cho sự nghiệp văn hóa, nghệ thuật cách mạng.

Vì thế, nhiều nghệ sĩ được công chúng mến mộ nhưng không đạt tiêu chí xét tiêu chuẩn NSND, NSƯT cũng là chuyện dễ hiểu. Chưa kể, do một thời gian khá dài chúng ta thực hiện chủ yếu dưới dạng xin – cho, khiến nghệ sĩ phải làm hồ sơ. Nhiều nghệ sĩ, vì những lý do nào đó, không làm hồ sơ nên đã không được xét tặng (trừ một số trường hợp ngoại lệ).

Trấn Thành và Thái Hòa có sức lan tỏa với công chúng nhưng vô danh hiệu.

“Chúng ta cần lưu ý nhiều hơn đến tầm ảnh hưởng của các nghệ sĩ được phong tặng danh hiệu. Nghệ sĩ Nhân dân mà nhân dân không biết đến, hoặc không biết đến nhiều thì cũng là một thiếu sót trong quá trình xét tặng. Dù rõ ràng Nhà nước đã quy định ‘có uy tín nghề nghiệp, được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ’ nhưng có thể cách lượng hóa tiêu chí này chưa phù hợp”, ông Sơn cho hay.

Quan ngại mở ra nhiều cuộc thi để lấy huy chương

Bên cạnh đó, ông Sơn bày tỏ quan ngại về thực trạng các hội chuyên ngành mở ra rất nhiều cuộc thi, liên hoan, giải thưởng chỉ để lấy huy chương nhằm mục đích xét danh hiệu NSND, NSƯT.

“Tôi nghĩ đó là một trong những nguyên nhân chính ảnh hưởng đến chất lượng của việc xét tặng danh hiệu NSND. NSƯT. Nghệ thuật có rất nhiều ngành khác nhau, đa dạng về loại hình, phong cách. Trong đó, có một số ngành, tôi không tiện nêu tên, rất tích cực trong việc tổ chức các cuộc thi, hội diễn, trong khi đó, nhiều ngành không tổ chức được các sự kiện như vậy”.

“Tất nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó. Tôi ủng hộ việc có những sự kiện nghệ thuật để từ đó huy động sự quan tâm của xã hội đến loại hình nghệ thuật này, xây dựng thương hiệu, phát triển khán giả. Nhưng tôi rất băn khoăn việc tổ chức các cuộc thi, hội diễn chỉ để tạo điều kiện trao tặng huy chương nhằm đáp ứng tiêu chuẩn cho các đợt xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT. Trong thời gian dài làm việc trong ngành văn hóa, tôi đã nghe rất nhiều ý kiến trái chiều, so đo, dị nghị về cách tổ chức các cuộc thi này. Chính những xầm xì này là một phần nguyên nhân của những ý kiến về sau như nghệ sĩ không được biết đến rộng rãi hay tài năng chưa được thừa nhận cao bởi cả những người trong nghề…”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn nhận định thêm.

ThựC Tế BuồN Khi Nghệ Sĩ ViệT KhôNg ThiếT Tha Danh HiệU Nsnd - ẢNh 5.

Thực tế buồn khi nghệ sĩ từ bỏ… danh hiệu

Trước thực trạng nhiều nghệ sĩ tên tuổi tuyên bố từ bỏ làm hồ sơ xin xét tặng danh hiệu, PGS.TS Bùi Hoài Sơn cho rằng đó là dấu hiệu đáng buồn.

“Khi vàng thau lẫn lộn cũng là lúc một số nghệ sĩ tên tuổi không còn tha thiết với danh hiệu nữa. Đây là điều rất đáng buồn đối với danh hiệu NSND, NSƯT và khiến chúng ta có thêm quyết tâm làm tốt hơn nữa để mang lại thương hiệu, niềm tin cho phần thưởng của Nhà nước đối với nghệ sĩ, từ đó khuyến khích văn nghệ sĩ đóng góp nhiều hơn cho nền nghệ thuật nước nhà”, PGS.TS Bùi Hoài Sơn chia sẻ.

Bên cạnh đó, chuyên gia văn hóa đặt niềm tin vào hội đồng xét duyệt danh hiệu các cấp dù không tránh được yếu tố cảm tính.

“Vì cầm cân nảy mực là con người, mà ai cũng có tình cảm nhất định nên sự cảm tính là khó tránh khỏi. Bởi sự tất yếu đó nên sự cảm tính xảy ra ở nhiều hội đồng, kể cả những hội đồng rất khoa học như phong học hàm giáo sư, phó giáo sư, chứ không riêng gì lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Chúng ta hy vọng, bằng cách ban hành quy chế chi tiết, cụ thể, khách quan, khoa học, cùng với việc xét tặng qua nhiều vòng, sẽ làm giảm đi cảm tính trong đánh giá xét tặng” – PGS.TS Bùi Hoài Sơn nói.

Ông cho biết thêm: “Tôi đã ở nhiều hội đồng xét tặng giải thưởng của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, vì thế tôi cảm nhận được trách nhiệm của các thành viên hội đồng trong cách đánh giá, trong từng thảo luận và từng trường hợp cụ thể, từng vụ việc cụ thể, nên tôi tin, có thể có sai sót nhỏ nào đó (vì không thể có sự toàn bích trong bất cứ việc gì), nhưng chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào các quyết định công tâm của hội đồng”.

Tiêu chí xét tặng danh hiệu NSND

Theo Nghị định 89/2014/NĐ-CP quy định về xét tặng danh hiệu Nghệ sĩ Nhân dân, Nghệ sĩ Ưu tú và sửa đổi tại Nghị định 40/2021/NĐ-CP về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 89/2014/NĐ-CP, trong đó có các tiêu chí cụ thể, ví dụ như đối với NSND thì cần những tiêu chuẩn như:

Trung thành với Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa; chấp hành chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; điều lệ, nội quy, quy chế của cơ quan, tổ chức, địa phương.

Có phẩm chất đạo đức, gương mẫu trong cuộc sống, tận tụy với nghề; có tài năng nghệ thuật xuất sắc, tiêu biểu cho loại hình, ngành, nghề nghệ thuật; có uy tín nghề nghiệp; được đồng nghiệp và nhân dân mến mộ.

Có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 20 năm trở lên, riêng đối với loại hình nghệ thuật Xiếc, Múa có thời gian hoạt động nghệ thuật chuyên nghiệp liên tục hoặc cộng dồn từ 15 năm trở lên.

Đã được tặng danh hiệu “Nghệ sĩ ưu tú” và sau đó đạt một trong các tiêu chí sau: Có ít nhất 02 giải Vàng quốc gia (trong đó có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định. Có ít nhất 03 giải Vàng quốc gia (nếu không có 01 giải Vàng là của cá nhân). Các giải Vàng trong nước hoặc quốc tế của cá nhân hoặc của bộ phim, chương trình, vở diễn, tiết mục được quy đổi để tính thành tích cho cá nhân theo quy định.

Có cống hiến nổi trội, có tài năng nghệ thuật xuất sắc, thiếu giải thưởng theo quy định tại điểm a và điểm b khoản này nhưng được Hội đồng các cấp thảo luận, đánh giá là trường hợp đặc biệt, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định trong trường hợp cụ thể sau:

– Nghệ sĩ là người cao tuổi theo quy định tại Điều 2 Luật Người cao tuổi, có nhiều cống hiến, đóng góp trong lĩnh vực nghệ thuật.

– Nghệ sĩ tích cực tham gia nhiều hoạt động phục vụ nhiệm vụ chính trị lớn của địa phương và đất nước.

– Nghệ sĩ là giảng viên các trường đào tạo văn hóa, nghệ thuật chuyên nghiệp, đào tạo nhiều thế hệ sinh viên tham gia đạt các giải thưởng cao tại các cuộc thi nghệ thuật chuyên nghiệp quốc tế.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *