Lãi suất tiền gửi tiết kiệm xuống thấp kỷ lục, thị trường bất động sản ảm đạm, chứng khoán trở thành kênh đầu tư khả dĩ nhất có thể đem lại mức sinh lời cao. Thế nhưng, đầu cơ lướt sóng chưa bao giờ là dễ dàng. Những biến động khó lường của thị trường chứng khoán khiến không ít nhà đầu tư phải ôm lỗ, đặc biệt là những người không chuyên, ít kinh nghiệm.
Trong bối cảnh đó, đầu tư dài hạn hưởng cổ tức lại trở thành lựa chọn phổ biến. Dù có phần “nhàm chán” nhưng không thể phủ nhận tính “ăn chắc, mặc bền” của trường phái này. Khá may mắn, thị trường chứng khoán Việt Nam không thiếu cổ phiếu có truyền thống chi trả cổ tức cao lên đến hàng chục, thậm chí hàng trăm %.
Những “con gà đẻ cổ tức” trải khắp trên cả 3 sàn với quy mô đa dạng từ bluechips cho đến midcap, penny. Nhà đầu tư cá nhân nhỏ lẻ hay tổ chức “tay to”, thậm chí cả các cá mập cũng đều có thể dễ dàng đi tiền đầu tư. Từ vài trăm triệu đến hàng trăm tỷ, vốn cỡ nào cũng có cổ phiếu phù hợp để đầu tư.
Các doanh nghiệp có truyền thống chi trả cổ tức cao hàng năm gồm nhiều cái tên quen thuộc như Vianmilk (VNM), Sabeco (SAB), Nhựa Bình Minh (BMP), PV Gas (GAS), VEAM Corp (VEA), Dược phẩm Trung ương 3 (DP3),… Một số trường hợp như Phốt pho Apatit Việt Nam (PAT), Mía đường Sơn La (SLS), Bia Hạ Long (HLB) còn chia cổ tức với tỷ lệ lên đến hàng trăm % năm 2022.
Tỷ lệ cổ tức 2022/thị giá của nhóm này nhìn chung khá hấp dẫn, cao hơn lãi suất tiền gửi tiết kiệm ngân hàng 12 tháng, thậm chí còn lên đến 2 chữ số. Đây là tỷ suất sinh lời đáng mơ ước trong bối cảnh thị trường biến động không thuận lợi. Việc điều chỉnh giá khi lăn chốt cổ tức có thể là rào cản trong ngắn hạn nhưng không thể phủ nhận giá trị mà việc đầu tư dài hạn mang lại khi nắm giữ những cổ phiếu này.
Như trường hợp của cổ phiếu CPH, thị giá sau nhiều lần điều chỉnh đã giảm xuống chỉ còn 300 đồng và không thể bị điều chỉnh thêm. Điều này đồng nghĩa với việc nhà đầu tư nắm giữ được hưởng “free” cổ tức mỗi năm. Đáng tiếc, cổ phiếu này lại gần như không có thanh khoản do các cổ đông đa phần muốn nắm giữ lâu dài hưởng cổ tức thay vì “trading” ăn chênh lệch giá.
Đa phần các doanh nghiệp trên đều có kế hoạch chi trả cổ tức cao cho năm 2023 nhưng cũng có một vài trường hợp đặt mục tiêu thấp như trường hợp của HLB, SLS, DP3,… Dù vậy, mức chia cổ tức thực tế của các doanh nghiệp này thường cao hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu. Điển hình như SLS chỉ lên kế hoạch chia cổ tức 30% cho năm 2023 nhưng đã tạm ứng đến 150%.
Một vài trường hợp khác như VNM, BMP không lên kế hoạch cụ thể mà chỉ đặt mục tiêu chia tối thiểu 50% lợi nhuận đạt được. Thực tế cho thấy các doanh nghiệp này đều đã tạm ứng cổ tức năm 2023 với tỷ lệ rất cao, với BMP là 65% còn VNM là 29%. Nhưng con số này tính toán ra đều cao hơn so với kế hoạch.
Miếng mồi “béo bở” thu hút các cá mập
Cổ tức cao đều đặn phần nào cho thấy sức khoẻ của doanh nghiệp. Chính sách cổ tức được duy trì đều đặn trên nền tảng doanh nghiệp “ăn nên, làm ra”. Lợi nhuận ổn định, thậm chí tăng trưởng qua từng năm cũng sẽ là yếu tố thúc đẩy cổ phiếu trên thị trường đi lên. Vì thế, nhà đầu tư dài hạn có thể “ung dung” hưởng lãi kép nhờ nắm giữ những cổ phiếu “sòn sòn” cổ tức cao hàng năm.
Có thể thấy, nhóm có truyền thống chia cổ tức cao đều đặn hàng năm đa phần nằm trong lĩnh vực sản xuất. Các doanh nghiệp này thường xuyên duy trì lợi nhuận ổn định, một số trường hợp tăng trưởng đều tạo tiền đề cho chính sách cổ tức phóng khoáng. Thêm nữa, khá nhiều trong số này là doanh nghiệp có vốn Nhà nước và việc chia cổ tức cao là điều gần như bắt buộc.
Theo Nghị định 140/2020/NĐ-CP, các doanh nghiệp nhà nước nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc tổng số cổ phần có quyền biểu quyết, sau khi chia lãi cho các bên góp vốn, bù đắp khoản lỗ của các năm trước, trích quỹ khen thưởng, phúc lợi, trích quỹ đầu tư phát triển (tối đa 30%) thì phần lợi nhuận còn lại sẽ thực hiện chia hết cổ tức, lợi nhuận bằng tiền mặt cho các cổ đông.
Quy định này khiến cổ đông của các doanh nghiệp do Nhà nước nắm quyền chi phối có thể yên tâm với chính sách cổ tức hàng năm. Bên cạnh đó, những doanh nghiệp Nhà nước không còn nắm quyền chi phối như Vinamilk, Sabeco, Nhựa Bình Minh cũng không ngần ngại “dốc hầu bao” khi trích gần như toàn bộ lợi nhuận để chi trả cổ tức hàng năm.
Đây là một trong những yếu tố làm gia tăng sức hút của các doanh nghiệp trong mắt các đại gia nước ngoài, như trường hợp của TCC Holdings tại , Thaibev tại Sabeco hay SCG tại Nhựa Bình Minh,… Cổ tức cao hàng năm đem lại cho các tập đoàn này dòng tiền ổn định qua đó bù đắp một phần số tiền bỏ ra để mua gom cổ phần đồng thời có thêm nguồn lực để triển khai các kế hoạch trong tương lai.
Thực tế, chiến lược đầu tư “ăn” cổ tức không chỉ hấp dẫn với các nhà đầu tư cá nhân mà còn cả các tổ chức. Minh chứng rõ ràng nhất là việc Quỹ đầu tư Doanh nghiệp hàng đầu DC (DCBC) thuộc Dragon Capital quản lý mới đây đã thay đổi mục tiêu đầu tư tập trung vào nguồn thu đều đặn từ lãi và cổ tức thay vì các doanh nghiệp hàng đầu niêm yết trên sàn như trước.
Theo chiến lược mới, DCBC sẽ tập trung dành 100% tài sản quỹ vào cổ phiếu các doanh nghiệp có lịch sử trả cổ tức đều đặn trong quá khứ hoặc trong thời gian tới tại tất cả các ngành nghề. Đáng chú ý, cơ cấu đầu tư sau khi thay đổi sẽ không đầu tư vào trái phiếu niêm yết, trái phiếu chào bán ra công chúng, trái phiếu phát hành riêng lẻ.
Việc “cá mập” Dragon Capital chuyển hướng nhắm đến miếng mồi cổ tức “béo bở” như một lời khẳng định cho vị thế của trường phái đầu tư dài hạn này sẽ không bao giờ lỗi thời trong bất kỳ hoàn cảnh nào.