Hôn nhân đã thay đổi cuộc sống của bạn như thế nào?
“Giống như đưa người yêu sang nhà mình chơi, nhưng cô ấy không bao giờ quay về nhà cô ấy nữa mà ở lại luôn. Mình phải share phòng với một người nữa, ít chơi game hơn, ngủ sớm hơn và dậy sớm hơn… kiểu vậy”, Tân Một Cú (Phạm Ngọc Tân, sinh năm 1993) trả lời nhanh đến mức gần như nghĩ gì nói đó, dĩ nhiên vẫn giữ nguyên cái biểu cảm tếu tếu thích cà khịa vợ y hệt trên clip. Mi (Đặng Ngọc Mi, sinh năm 1997) ngồi ngay bên cạnh và cười.
Cặp đôi chia sẻ về cuộc sống sau khi kết hôn
Sau đám hỏi hồi cuối năm 2021, Phạm Ngọc Tân và Đặng Ngọc Mi đã về một nhà và chọn sống chung với bố mẹ chồng. Tính đến hiện tại, cặp đôi đã trải qua 2 năm vợ chồng son hài hước nhưng cũng không tránh khỏi những lúc tranh cãi.
Và ngày 30/12 tới đây, Tân và Mi mới chính thức làm đám cưới. Có thể hơi đột ngột, nhưng quyết định này được đưa ra ngay sau cuộc gặp giữa 3 người chúng tôi. Chóng vánh đến mức cặp đôi không book được địa điểm tổ chức tiệc cưới vào ngày đẹp mà chỉ có thể chọn một ngày bình thường.
Thiếu gia thành “con ghẻ” trong chính nhà mình sau khi lấy vợ
Trên mạng cuộc sống vợ chồng của 2 bạn khá nhí nhố, so với thực tế thì giống hay khác bao nhiêu %?
Tân: Cuộc sống của bọn mình trên mạng với ngoài đời chỉ cách nhau đúng một thứ, đó là tiêu chuẩn cộng đồng. Tức là phải tuân theo các nguyên tắc tiêu chuẩn cộng đồng của nền tảng nên có rất nhiều trò mà bọn mình có thể làm ngoài đời nhưng không thể làm trên video được. Nếu cần con số thì chắc là giống đến 80%, kiểu cứ trêu nhau dở hơi dở hồn.
Tại sao đến giờ 2 bạn mới rục rịch làm đám cưới?
Mi: Một phần vì công việc quá bận bịu và một phần là bọn mình muốn toàn tâm toàn ý cho đám cưới được đúng ý của hai đứa nhất. Khi chưa để dành được thời gian nên bọn mình chưa tổ chức, cứ hoãn mãi đến bây giờ.
Người ta nói lấy đúng người thì không cần trưởng thành nữa?
Tân: Khi mình đi công tác dài ngày, Mi sẽ nhớ những lúc cốc nước của Mi tự đầy, giấy tự bay ra chỗ Mi hay điều hòa tự tắt, quạt tự bật. Điều này chắc cũng giải thích cho mọi người em bé là như thế nào. Mà 2 năm em bé rồi nhỉ? Thế sang năm lớn đi, nước tự lấy đi.
Mi: Anh cũng là em bé mà! Mình để anh Tân làm những trò khùng khùng bất cứ lúc nào, cho anh Tân chơi điện tử bất cứ lúc trừ những lúc…
Tân: … trừ lúc mình không muốn?
Mi: Không. Trừ những lúc đang 30 Tết, cần phải đón giao thừa mà anh lại lôi máy tính ra vào game.
Tân: Ủa! Lúc đó em đồng ý rồi mà? Luyên thuyên thật.
Mi: *cười*
Tân: Mình muốn chơi điện tử lúc nào cũng hỏi vợ là “Có chơi được không?” và sẽ giao kèo được chơi khoảng bao lâu, đến đúng giờ đấy là tắt, không vượt quá.
Nhưng Mi “hợp vía” lấy chồng, có gia đình xong xinh hơn cả hồi còn độc thân!
Mi: Tại mình tháo niềng răng đó. Nói đùa thôi nhưng người ta hay bảo con gái yêu và lấy được đúng người là sướng lắm, là xinh đẹp lên. Nói như thế nghĩa là nhan sắc hay niềm vui của người phụ nữ phụ thuộc hoàn toàn vào người chồng, người đàn ông bên cạnh mình à?
Không biết mọi người có quan điểm thế nào nhưng mình nghĩ là người bên cạnh phản ánh sự yêu thương mà mình dành cho bản thân.
Vậy Mi thấy cuộc sống làm dâu của mình thế nào?
Mi: Vui lắm! Hạnh phúc lắm! Từ ngày bước chân vào nhà chồng, mình chưa từng có một giây phút nào thấy cô đơn hay chỉ là con dâu. Bố mẹ chồng mình đối với con đẻ và con dâu không khác gì nhau.
Con dâu với mẹ chồng thân nhau thế có khi nào Tân bỗng thấy mình chỉ là “con ghẻ” trong nhà?
Tân: Ngay từ ngày đầu tiên Mi về là mình thành “con ghẻ” trong chính nhà mình rồi.
Không phải là bố không yêu con trai mà với con trai, các bố thường có cách thể hiện tình cảm khác. Sau khi Mi về, bố lúc nào cũng giục “ăn đi, ăn đi” còn mẹ thì chăm cực kỳ, chỉ cần Mi thích ăn uống cái gì là mẹ cũng mua đồ về nhà làm. Có thêm Mi giống như nhà thêm một đứa con gái nhỏ nhỏ xinh xinh nên hai cụ rất thích còn mình thì… kệ.
Liệu việc người chồng chủ động trở thành “con ghẻ” chính là cách duy trì sự hoà hợp giữa người vợ với gia đình chồng?
Tân: Cái này sẽ tùy gia đình. Bởi vì không phải gia đình nào khi con trai lấy vợ về cũng có thể trở thành “con ghẻ” được, đôi khi lại được mẹ cưng chiều hơn. Mình thì có may mắn là mẹ tâm lý, yêu thương con cái nên mình không cần phải chủ động làm việc đấy. Mẹ mình hiểu được là nên làm gì để mình cảm thấy thoải mái, có thể ra ngoài làm việc mà không cần phải lo lắng quá nhiều về chuyện mẹ chồng nàng dâu.
Mi: Mình thấy đấy không phải là vấn đề mà mình người chồng có thể tự giải quyết được, nó phụ thuộc rất nhiều vào người mẹ và người vợ: Hai người phụ nữ có hoà hợp được không? Có tạo đủ điều kiện để cho người đàn ông đấy có thể trở thành “con ghẻ” hay không? Chứ người chồng không thể nào tự dưng lại thành “con ghẻ”, đẩy cho mẹ chồng và con dâu yêu thương nhau được.
2 năm qua, hẳn 2 bạn cũng phải đối mặt với sự giục giã về chuyện có con?
Tân: Bọn mình đối diện với việc này rất bình thường. Ông bà muốn có cháu là đương nhiên và bọn mình không bao giờ có cảm giác khó chịu mà thấy rất nhẹ nhàng. Với họ hàng hay cô dì chú bác, có ai hỏi thì bọn mình cũng không có suy nghĩ kiểu “đấy là việc riêng của hai đứa, đừng can thiệp vào”.
Bọn mình coi đấy là một điều đương nhiên, câu hỏi đó chỉ là hỏi han, quan tâm chứ không phải là ác ý, cố tình chen vào cuộc sống của mình hay thế nào. Lúc nào bọn mình cũng trả lời là “cuối năm” còn năm nào thì chưa biết.
Không có nhu cầu sắm Tết, mặc đồ cũ vẫn xinh và được bố mẹ hỗ trợ
Chi tiêu cũng là vấn đề được các cặp vợ chồng trẻ quan tâm. Hai bạn giải bài toán này ra sao?
Mi: Bọn mình để ai xài tiền người nấy. Nhưng bây giờ anh Tân muốn tiêu cái gì đấy đắt đắt một chút kiểu bàn phím, đồ chơi,… liên quan đến sở thích thì sẽ hỏi ý kiến mình. Mình thấy ok thì thoải mái để mua còn mình không ok thì anh vẫn rất muốn mua nhưng cân nhắc hơn. Mình cũng không ép buộc gì, chỉ nêu ý kiến kiểu “Em thấy cái này cũng không đẹp lắm” thôi.
Với những khoản chi lớn hoặc tiền tiết kiệm thì các bạn sẽ có quy ước thế nào?
Tân: Bọn mình khoe cho nhau xem. Ví dụ khi gửi một cái sổ tiết kiệm nào đấy, mình hay trêu Mi: “Ê nhìn này! Đấy yên tâm nha! Tiền này là tiền đẻ con nhá, tiền này là tiền cho con học nhá!”.
Nhiều người đàn ông sẽ không show hết chuyện tiền bạc với vợ 100% nhưng vợ mình thì thoải mái, không bao giờ bắt phải nộp lương hay kiểm tra mình tiêu tiền như thế nào mà cũng đặt nhiều niềm tin vào chuyện tiêu tiền của mình. Vì vậy bọn mình không có gì phải giấu cả, có bao nhiêu tiền, tiết kiệm được bao nhiêu thì cứ đưa nhau xem rồi cùng quyết định làm gì với số tiền đấy.
Có khoản chi nào của vợ mà Tân thấy khó hiểu không?
Tân: Mình không khó hiểu với những khoản chi của vợ, chỉ có vấn đề với chuyện nhận đồ ship thôi. Mình không chấp nhận được 2 cái đơn mà lại ship sát nhau 5 phút, vừa chạy xuống đi lên xong lại chạy xuống lần nữa. Còn lại Mi muốn mua cái gì Mi mua, muốn tiêu bao nhiêu tiền thì tiêu, đừng vác mấy tỷ nợ về nhà bảo “Ối anh ơi” là được.
Hồi trước trên mạng mọi người còn nói thấy Tân được gọi là thiếu gia các thứ mà Mi vẫn mua đồ trên mạng. Thật ra Mi hoàn toàn không có nhu cầu với hàng hiệu này kia. Mặc dù bạn ấy có thể thỉnh thoảng bảo mình: “Ôi anh ơi sao chị này sướng thế! Chị ấy có túi mấy trăm triệu, mấy tỷ,…” nhưng đến lúc hỏi có mua không thì lại bảo không.
Bây giờ cũng cuối năm rồi, các bạn có kế hoạch chi tiêu gì có Tết chưa? Trong bối cảnh kinh tế khó khăn thế này…
Mi: Phần lớn chi tiêu Tết của bọn mình là tiền biếu bố mẹ hai nhà. Đến bây giờ thì may mắn là khả năng tài chính của bọn mình đủ để không cảm thấy nặng nề với vấn đề đấy nên cứ để gần Tết rồi tính chứ hiện tại chưa có suy nghĩ gì cả.
Tân: 2 năm nay bọn mình còn không mua quần áo dịp Tết. Vì nhìn tủ bé, hai đứa để chung xong mua về không có chỗ cất ấy.
Mi: Bọn mình sống khá tối giản, kể cả có những bộ đồ mặc đi mặc lại nhưng cũng không thấy ngại cho lắm. Mọi người hay nghĩ bọn mình sẽ áp lực mỗi lần lên video là lại phải mặc bộ đồ mới nhưng không có chuyện đó. Vì vậy bọn mình cũng không có quá nhiều nhu cầu phải sắm Tết, mua đồ mới long lanh gì cả. Nếu đồ cũ mà mặc vẫn xinh, vẫn đủ thì không có vấn đề gì. Hơn nữa quãng chuyển giao giữa Tết và cuộc sống thường ngày của bọn mình không quá xa nhau.
Tân: Càng sát Tết càng bận nên lúc đấy là thời gian cho công việc. Bố mẹ mình cũng khá thoải mái, mẹ cũng thích việc sắm sửa nên toàn làm luôn cho hai đứa.
Mi: Cái việc đấy lẽ phải là mình lo nhưng đến bây giờ mẹ chồng vẫn giúp đỡ rất nhiều, hỗ trợ để tạo điều kiện cho công việc cũng như cuộc sống hàng ngày của bọn mình. Nên phải nói là may mà vẫn sống với bố mẹ ấy.
Thế 2 bạn có kế hoạch ra riêng chưa?
Tân: Rồi. Thứ nhất là bọn mình muốn tự lập, làm tất cả những công việc mà bình thường mẹ toàn làm cho. Thứ hai là do đặc thù công việc của hai đứa, nếu như bọn mình vẫn ở với bố mẹ thì cũng sẽ bị giới hạn về không gian quay nữa, dù bố mẹ rất ủng hộ. Thế nên cũng muốn ra riêng để hai đứa có không gian làm việc, trải nghiệm nhiều thứ hơn thay vì cứ ở với bố mẹ. Cứ ở vậy rồi đến năm 40 tuổi mà vẫn mẹ nấu cơm cho thì hỏng.
Mi: Bọn mình muốn ra riêng không phải vì bất hoà với bố mẹ hay không thoải mái mà vì bản thân tự có ý thức là đang được bao bọc quá nhiều, cần phải ra ngoài biết tự vun vén cho cuộc sống gia đình. Bọn mình cũng là 1 gia đình rồi, không thể nào cứ kiểu là 2 vợ chồng rồi được bố mẹ bao bọc mãi được.
Hiện tại 2 bạn đã thực hiện mục tiêu mua nhà đến đâu rồi?
Tân: Bọn mình đã có 1 số tiền tiết kiệm rồi và đang mong muốn trong khoảng 3 – 5 năm nữa sẽ tự mua được một căn nhà cho riêng mình. Nhưng đó là kế hoạch trong đầu thôi còn về khoản tiền thì đến thời điểm này chưa đủ. Nếu muốn mua hiện tại thì một là phải nhờ bố mẹ hỗ trợ, hai là phải vay ngân hàng mà bây giờ vay ngân hàng là hơi căng đấy nên thôi. Trong khi đó thì bọn mình vẫn đang tận dụng tất cả những may mắn của bản thân để mua được nhà riêng theo kế hoạch.
Cảm ơn Tân và Mi vì những chia sẻ!