Charlie Munger (99 tuổi) là người giàu có hàng đầu thế giới, được xem như “cánh tay phải” của thần chứng khoán Warren Buffett. Bill Gates nhận xét về Munger “có nhiều điều ngạc nhiên hơn Buffett và ông ấy là nhà tư tưởng sâu sắc nhất mà tôi từng thấy”.
Munger có tổng cộng 8 người con và tất cả đều trở thành những cá nhân xuất sắc. Đặc biệt không ai trong số họ bị gắn mác “con nhà giàu”. Ngược lại các con của ông đều tốt nghiệp những trường danh tiếng và đạt được các thành tựu to lớn trong lĩnh vực của họ. Để có thể nuôi dạy được cả 8 người con thành công, Charlie Munger đã áp dụng những phương pháp này:
Luôn trả lại xe mượn với bình xăng đầy
Vào ngày cuối cùng trong kỳ nghỉ trượt tuyết của gia đình ở Sun Valley, khi con trai của ông Munger tròn 15 tuổi, hai cha con đang đi đến điểm hẹn thì ông chuyển hướng. Ông chọn đi đường vòng, xa hơn 10 phút chỉ để đổ đầy bình xăng chiếc xe Jeep mà họ đang lái.
Ngay lúc đó con trai đã hỏi tại sao lại lại phải đổ thêm nhiên liệu khi trong bình vẫn đủ xăng để về. “Khi con mượn xe của người khác, con phải trả lại với bình xăng đầy”, Charlie Munger đã dạy con.
Nhờ câu nói này, anh con trai hiểu rằng đây là cách để duy trì các mối quan hệ trong xã hội.
Năm thứ nhất của con trai Charlie Munger ở ĐH Stanford, một người quen cho anh mượn xe. Bình xăng đã vơi một nửa và chiếc Audi Fox màu đỏ ấy khiến anh nhớ đến chiếc Jeep năm xưa.
“Thế là tôi đổ đầy bình trước khi mang xe về. Kể từ đó, chúng tôi đã có nhiều khoảng thời gian vui vẻ. Sau này, anh ấy chính là phù rể trong đám cưới của tôi”, con trai ông Munger chia sẻ lại.
Cách ứng xử của bố đã dạy cho anh cách để có và giữ một người tốt.
Gia đình Charlie Munger
Không che dấu lỗi lầm
Con gái Wendy Munger cho biết bố mình rất thích giáo dục con cái trong bữa cơm. Khác với cách giáo dục thông thường, cách dạy con ưa thích của Munger là kể chuyện, thay vì lý lẽ đơn thuần.
Ông thường sử dụng các câu chuyện về những tấm gương sáng hoặc sử dụng các trường hợp tiêu cực để nói nên hậu quả của một quyết định sai lầm nhằm điều chỉnh thế giới quan của các con.
Thực tế, mọi người cũng thích nghe những câu chuyện hơn là lý lẽ và thích soi sáng bởi những tấm gương có thật hơn là lợi giảng khô khan.
Có một câu chuyện mà các con của ông nhớ mãi liên quan đến một nhân viên tài chính tại một trong những công ty Munger từng làm việc khiến cho doanh nghiệp thua lỗ hàng trăm nghìn USD. Ngay sau khi nhận ra sai lầm của mình, nhân viên này đã trực tiếp đến gặp chủ tịch công ty để nói hết về những điều mình đã làm.
“Đây là một lỗi sai khủng khiếp và chúng tôi không muốn bạn lặp lại một lần nào nữa. Ai cũng mắc sai lầm và chúng tôi có thể tha thứ cho điều đó. Điều anh làm đúng đó là thừa nhận lỗi sai của mình. Nếu cố tình che dấu dù chỉ trong một thời gian ngắn, anh sẽ bị đuổi việc ngay lập tức. Tuy nhiên, trong trường hợp này, tôi muốn anh ở lại”, vị chủ tịch nói với anh nhân viên.
Sau này khi trưởng thành, cô con gái Wendy Munger hiểu rằng muốn thành công phải trung thực. Phạm lỗi không xấu nhưng che đậy lỗi lầm là điều không được phép làm.
Không trì hoãn bất kỳ công việc gì
Chần chừ là bản tính của con người. Nó có thể khiến nhiều người hình thành những thói quen xấu. Tất cả chúng ta đều không muốn con mình trở thành người trì hoãn. Song điều mà nhiều cha mẹ không biết là họ đã vô tình để con mình hình thành thói quen này khi nói “Hãy bắt đầu vào ngày mai”.
Tuy nhiên trong cách dạy con của Munger, ông khẳng định chiến lược tốt nhất cần phải bắt đầu ngay bây giờ, ngay lập tức.
Khi con trai cả của Munger ra ngoài và đánh rơi chiếc chìa khoá xe của mình. Sau khi trở về, anh đã thú nhận với cha mình. Ngay lập tức ông đã yêu cầu con phải đi tìm ngay. Người con trai chống cự bằng mọi cách và cho rằng trời sắp tối hãy để sáng mai. “Đến mai thì liệu chiếc chìa khoá còn ở chỗ đó không”, Munger đã thẳng thắn nói với con.
Khi nhắc lại câu chuyện này, cậu con trai cả vẫn cảm kích về bài học từ cha mình. Hiện tại anh tuyệt đối không bao giờ cho phép bản thân được chậm trễ bất kì điều gì.
Hiện này, nhiều cha mẹ không chú ý giáo dục con né tránh sự trì hoãn. Đa số các phụ huynh đều cho rằng “đợi một chút” trong tiềm thức không phải là vấn đề lớn. Tuy nhiên khi việc này lặp đi lặp lại sẽ hình thành nên thói quen trì hoãn ở trẻ.