Ngày 14/12, nguồn tin của PV Tiền Phong cho hay, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (giữ ghế chủ tịch Hội đồng Tiền lương quốc gia) vừa phát giấy mời họp phiên thứ 2 của Hội đồng Tiền lương quốc gia bàn về lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024. Phiên họp thứ 2 này dự kiến sẽ diễn ra vào giữa tuần tới.
Được biết, hiện bộ phận kỹ thuật của hội đồng vẫn chưa đưa ra báo cáo đánh giá, đề xuất về tiền lương tối thiểu vùng sẽ giữ như hiện hành hay tăng vào năm tới.
Với việc phiên họp của Hội đồng Tiền lương quốc gia diễn ra vào những ngày cuối cùng của năm nay thì gần như chắc chắn lương tối thiểu vùng giai đoạn đầu năm 2024 sẽ chưa thay đổi. Trường hợp lương tối thiểu vùng được hội đồng thống nhất tăng, việc điều chỉnh sẽ chỉ có thể diễn ra vào giữa hoặc cuối năm, để có thời gian cho doanh nghiệp chuẩn bị nguồn lực, phương án sản xuất – kinh doanh.
Theo thông lệ các năm trước, Hội đồng Tiền lương quốc gia thường nhóm họp vào khoảng các tháng 7-9 hằng năm để bàn về lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm tiếp theo. Sau khi họp từ 2-3 phiên, hội đồng sẽ chốt phương án khuyến nghị mức lương tối thiểu vùng. Trên cơ sở khuyến nghị của hội đồng, Chính phủ sẽ xem xét, quyết định mức lương tối thiểu vùng áp dụng trên toàn quốc của năm tiếp theo.
Năm nay, Hội đồng Tiền lương quốc gia đã nhóm họp phiên đầu tiên vào tháng 8 để bàn về tiền lương tối thiểu vùng áp dụng cho năm 2024 . Kết thúc phiên họp, do còn nhiều ý kiến khác nhau, khó tìm được tiếng nói chung, hội đồng tạm thời chưa thống nhất các phương án tăng lương tối thiểu vùng, chờ đánh giá thêm tình hình hoạt động của doanh nghiệp, việc làm và cuộc sống người lao động.
Tại phiên họp đầu tiên của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam (đại diện cho người lao động) đã đưa ra kiến nghị tăng lương tối thiểu vùng năm 2024 thêm 5-6% so với hiện hành. Tuy nhiên, một số đại diện khác trong hội đồng đề xuất không tăng, do doanh nghiệp mới phục hồi, còn nhiều khó khăn, một số ngành nghề sử dụng nhiều lao động thiếu đơn hàng dẫn tới thiếu việc làm cho người lao động (như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử…).
Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đánh giá, từ năm 2015 tới nay, Việt Nam tăng lương tối thiểu ổn định và nhất quán, từ mức 119 USD/tháng lên 168 USD/tháng hiện hành. Lần gần nhất Việt Nam tăng lương tối thiểu vùng từ tháng 7/2022, với mức tăng trung bình 6,1% so với trước.
Dù lương tối thiểu tăng, nhưng do ảnh hưởng của khó khăn kinh tế toàn cầu, lạm phát, nên Việt Nam là 1 trong số ít quốc gia khu vực Đông Nam Á lương tối thiểu tăng giúp tăng thu nhập thực tế của người lao động (tăng thêm 0,7%); trong khi hầu hết các nước trong khu vực dù tăng lương tối thiểu nhưng mức tăng thấp hơn lạm phát, nên giá trị tiền lương thực tế giảm so với giá hàng hoá. Tính chung giai đoạn 2015-2022 lương tối thiểu tại Việt Nam tăng tổng 19,8%.
Trước phiên họp lần thứ nhất của Hội đồng Tiền lương quốc gia, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đã công bố một khảo sát thu hút nhiều chú ý, với các số liệu, nhận định về cuộc sống của người lao động đang khó khăn. Dù khảo sát chỉ tiến hành với 3.000 người lao động, trong tổng số hơn 15 triệu lao động khu vực chính thức.
Kết quả khảo sát trên cho thấy, hiện tiền lương bình quân của người lao động khoảng 6 triệu đồng/người/tháng, tăng 8,4% so với cùng kỳ năm 2022, cao hơn lương tối thiểu vùng hiện hành từ 37-51% (tùy theo từng vùng). Tuy nhiên, có hơn 75% người lao động được khảo sát nói rằng thu nhập hiện tại không đáp ứng đủ nhu cầu chi tiêu của họ, thậm chí chưa đáp ứng được một nửa nhu cầu sống dẫn tới hơn 17% người lao động phải thường xuyên vay nợ, một tỷ lệ tương đương không thể tự nuôi con dưới 18 tuổi; chỉ hơn 26% người lao động có điều kiện để ăn thịt, cá trong các bữa ăn hằng ngày (tức số còn lại ít được ăn thịt, cá hằng ngày).