Nhiều chiêu thức của tội phạm mạng
Chương trình “Ngày không tiền mặt” được Sở Công Thương TPHCM triển khai từ ngày 15/6 đến ngày 15/9 thu hút sự quan tâm rất lớn của người dân, doanh nghiệp, trong đó thị trường thanh toán điện tử rất sôi động.
Chị Chử Minh Thùy (31 tuổi, công nhân công ty Changshin Việt Nam) khá hứng thú với việc thanh toán hóa đơn tại chuỗi hệ thống Emart Phan Văn Trị (quận Gò Vấp, TPHCM) qua ví điện tử cài trong điện thoại thông minh. Theo chị Thùy, ngoài sử dụng để tiêu dùng, đặt hàng qua mạng, chị cũng quen dần với việc mua sắm tại các chợ truyền thống và thanh toán qua hình thức QR Code vốn được hầu hết các cửa hàng cung cấp phổ biến.
Không may mắn như trường hợp chị Thùy, anh Nguyễn Trường Giang (27 tuổi, ngụ tỉnh Trà Vinh) cho biết, mới đây đã nhận lời mời kết bạn với một tài khoản Zalo là “Huỳnh Văn Tâm”. Tưởng tài khoản này là bạn bè quen biết từ trước nên anh Giang đã không nghi ngờ mà chấp nhận yêu cầu kết bạn. Quá trình trò chuyện, tài khoản kể trên ngỏ lời mượn anh Giang số tiền 8 triệu thông qua hình thức chuyển khoản. Do tưởng là bạn cũ, anh Giang sau đó đã không kiểm tra lại, chuyển cho đối tượng số tiền theo yêu cầu. Sau khi chuyển khoản, anh Giang mới gọi điện cho bạn (trùng tên với tài khoản zalo lừa đảo) thông báo đã gửi tiền cho bạn thì mới phát hiện mình bị lừa đảo. Nạn nhân đã nhanh chóng trình báo công an.
Xác định đây là vụ lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng bằng hình thức sử dụng công nghệ cao, công an bằng các biện pháp nghiệp vụ, đã lần ra manh mối. Ngày 20/9, lực lượng chức năng liên tỉnh TPHCM, Bà Rịa-Vũng Tàu, Long An và tỉnh Trà Vinh đã phối hợp bắt tạm giam, cấm đi khỏi nơi cư trú đối với các đối tượng Tăng Văn Long (40 tuổi, ngụ TPHCM); Trương Thị Quỳnh Mai (32 tuổi, vợ Long, cùng ngụ TPHCM) và Huỳnh Văn Tâm (40 tuổi, ngụ Sóc Trăng) để điều tra về cùng hành vi “thu thập, tàng trữ, trao đổi, mua bán, công khai hóa trái phép thông tin về tài khoản ngân hàng”.
Không chỉ phát sinh một số vụ lừa đảo qua các giao dịch điện tử, chuyển khoản ngân hàng qua app điện tử, vào giữa tháng 5/2023, TAND TPHCM từng đưa vụ án liên quan đến tiền điện tử (còn gọi tiền ảo), với tổng trị giá giao dịch lên đến hơn 37 tỷ đồng ra xét xử. Theo hồ sơ vụ việc, khi đăng ký tài khoản đầu tư tiền ảo trên mạng, các bị cáo Hồ Ngọc Tài (33 tuổi) và Trần Ngọc Hoàng (39 tuổi) quen một doanh nhân tên N. Năm 2018, khi nghe anh N. tư vấn giao dịch tiền ảo, bị cáo Tài đã bán hết 1.000 Bitcoin (tương đương khoảng 100 tỷ đồng vào thời điểm đó) để chuyển sang giao dịch các loại tiền ảo mới nổi khác, như Aureus, Ifans… trên các sàn giao dịch tiền điện tử quốc tế, nhưng thua lỗ hết. Cho rằng anh N. đã lừa mình, nhóm của Tài đã bàn bạc, giàn cảnh để cướp lại số tiền điện tử đã mất. Kết quả, trong lúc di chuyển về TPHCM, anh N. đã bị nhóm này đánh, ép cung cấp các thông tin liên quan đến giao dịch điện tử để chiếm đoạt số lượng tiền điện tử lên đến 168 Bitcoin (tổng trị giá quy đổi khoảng hơn 37 tỷ đồng) cùng một số tài sản khác.
Tăng cường chế tài để hạn chế rủi ro
Trước rủi ro rất cao trong các giao dịch điện tử được “trung gian” bởi các app tài chính, app sàn ảo, tại hội nghị chuyên đề bàn về các rủi ro trong giao dịch điện tử do Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM tổ chức ngày 22/9, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch, kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam cho biết, trong bối cảnh hội nhập ngày càng sâu rộng cùng với sự bùng nổ công nghệ thông tin thì tổ chức, cá nhân trong nước sẽ phải đối diện với nhiều hình thức, phương thức, thủ đoạn của tội phạm mạng, nhất là các hành vi về rửa tiền ngày càng tinh vi, phức tạp, nổi cộm nhất là đối với lĩnh vực tiền mã hóa, nơi mà hành lang pháp lý chưa hoàn thiện đầy đủ. Cũng theo ông Hùng hiện nay nước ta đang trong quá trình xây dựng Luật, Nghị định và Thông tư, với sự tham gia của các chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế để chuẩn hóa các quy định liên quan đến giao dịch điện tử, trong đó có nội dung phòng chống “rửa tiền”. Trên cơ sở đó, Hiệp hội Ngân hàng cũng đã tổng hợp ý kiến góp ý về dự thảo Luật, Nghị định, Thông tư về phòng, chống “rửa tiền” để khi áp dụng thực tế sẽ giúp các tổ chức, cá nhân liên quan thực thi có hiệu quả.
Trong khi đó, ông Trần Việt Hùng – cố vấn cấp cao Hiệp hội Blockchain Việt Nam cho biết, thời gian gần đây có rất nhiều sự quan tâm liên quan đến công nghệ blockchain (một cuốn sổ ghi lại tất cả các giao dịch xảy ra trong hệ thống, không thể làm giả, bảo mật dữ liệu). Công nghệ này đã phát triển nhanh chóng ở nhiều nước nhưng còn tương đối mới mẻ ở nước ta và do đó đặt ra các thách thức mới cho nhiệm vụ phòng chống “rửa tiền” thông qua các giao dịch tiền điện tử.
Ông Nguyễn Văn Tâm (Công ty TNHH Thanh Long, tại TP Thủ Đức) cho biết, việc làm quen với các giao dịch điện tử thường đòi hỏi nhiều yếu tố, trong đó đơn vị “trung gian” (sàn giao dịch điện tử) hoặc hợp đồng thông minh (yếu tố công nghệ) phải được truy suất “người chủ” thực sự quản lý nó. Tuy nhiên, hiện nay việc chưa xác minh được các yếu tố quan trọng này khiến các rủi ro của giao dịch điện tử là rất tiềm tàng.
“Chẳng hạn, khi mua một loại tài sản số, tiền từ ngân hàng có thể phải thông qua đồng thuận P2P (giữa hai bên giao dịch) và trường hợp một bên có dấu hiệu lừa đảo, chiếm đoạt tiền là rất khó được nhận biết từ trước” – ông Tâm dẫn chứng.
Liên quan đến rủi ro từ các giao dịch điện tử và nguy cơ về “rửa tiền” đi kèm, ông Nguyễn Quốc Hùng – Phó Chủ tịch kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam đề nghị Cục Phòng chống rửa tiền có văn bản trả lời hướng dẫn về các thông tư, quy định pháp luật mà các tổ chức tín dụng quan tâm, cũng như tiếp tục hỗ trợ, giải đáp thắc mắc, rủi ro pháp lý đối với các tổ chức hội viên của Hiệp hội Ngân hàng.