Sức mạnh của Trung Quốc
Trung Quốc thống trị cả việc sản xuất và xử lý các khoáng chất quan trọng như coban và lithium – vốn là chìa khóa cho quá trình chuyển đổi năng lượng.
Điều này dẫn đến mối lo ngại ngày càng tăng giữa các chính phủ phương Tây, bao gồm cả ở Washington, về sự phụ thuộc của họ vào Bắc Kinh.
Giải bài toán trước giờ vẫn né tránh
Giờ đây, một số công ty và nhà đầu tư phương Tây đang bắt đầu xây dựng các nhà máy xử lý kim loại ở châu Phi để có thể tinh chế các nguyên liệu thô mà họ khai thác tại lục địa này và xuất khẩu trực tiếp sang châu Âu và Mỹ.
Các khoản đầu tư cho thấy mức độ chấp nhận rủi ro liên quan đến các nước châu Phi mà phương Tây đã sẵn sàng.
Nghiên cứu của Nhóm Ngân hàng Phát triển châu Phi đã chỉ ra những thách thức trong việc khai thác mỏ ở châu lục này khiến nơi đây trở thành bài toán khó cho nhiều doanh nghiệp.
Đầu tiên là ở chất lượng cơ sở hạ tầng thấp. Tiếp đó là quá trình công nghiệp hóa tại đây diễn ra chậm. Đồng thời, ở một số quốc gia châu Phi, các vấn đề môi trường và xã hội do khai thác mỏ gây ra là nguồn gốc của các cuộc biểu tình và xung đột giữa các công ty khai thác mỏ và cộng đồng trong khu vực.
Một loạt cơ sở được xây dựng
Theo WSJ, tập đoàn khai thác khổng lồ của Úc BHP Group cùng với Lifezone Metals (Mỹ) đã đầu tư 100 triệu USD kể từ năm 2022 vào một mỏ niken ở Tanzania, với kế hoạch xây dựng nhà máy xử lý để tinh chế kim loại ở nước này.
Đây sẽ là nhà máy đầu tiên thuộc loại này ở châu Phi, dự kiến cung cấp niken để sản xuất pin cho thị trường Mỹ và toàn cầu vào năm 2026.
Chris Showalter, giám đốc điều hành của Lifezone nói: “Đây là thời điểm tuyệt vời đối với chúng tôi.”
Jacques Nel từ công ty tư vấn kinh tế Oxford Economics Africa dự đoán, đầu tư vào các cơ sở xử lý kim loại ở châu Phi có thể sẽ tăng vì nhu cầu về kim loại làm pin tăng và vì vị thế thống trị của Trung Quốc đối với ngành này.
Quỹ Vision Blue Resources (Anh) đã đầu tư vào một mỏ than chì mới ở Madagascar và một cơ sở xử lý ở Mauritius gần đó, đây sẽ là cơ sở đầu tiên thuộc loại này nằm ngoài Trung Quốc. Công ty cũng đang hỗ trợ một nhà máy tinh chế coban ở Zambia dự kiến hoàn thành vào cuối năm tới. Họ cho rằng, nhà máy tinh chế coban này sẽ lớn thứ 3 trên thế giới và lớn nhất nằm ngoài Trung Quốc.
Vision Blue cho biết nhà máy tinh chế coban của họ ở Zambia sẽ xử lý coban từ các mỏ đã được kiểm tra tiêu chuẩn về môi trường và lao động, để có thể xuất khẩu trực tiếp cho các nhà sản xuất ô tô điện và các nhà sản xuất công nghệ xanh khác ở châu Âu và Mỹ.
Những thách thức
Cùng với sự quan tâm ngày càng tăng từ các nhà đầu tư, những công ty muốn kinh doanh ở châu Phi cũng gặp nhiều thách thức. Các quốc gia như Cộng hòa Dân chủ Congo, Guinea và Namibia đã tìm ra cách sở hữu nhiều doanh thu cho họ ở những công ty khai thác kim loại.
Ví dụ, Zimbabwe đã cấm xuất khẩu lithium thô vào tháng 12, buộc các công ty nước ngoài phải xử lý kim loại này ở đó. Và các đối thủ cạnh tranh từ Trung Quốc vẫn chiếm ưu thế bởi họ có vị thế vững chắc tại đây do khẩu vị đầu tư chấp nhận nhiều rủi ro.
Sam Hosack, giám đốc điều hành của công ty Úc về pin và kim loại điện khí hóa ở châu Phi, Prospect Resources, cho biết: “Ở Zimbabwe nhiều vốn Trung Quốc hơn.”
Vào tháng 4/2022, Prospect đã bán 87% cổ phần của mình trong mỏ lithium đá cứng Arcadia ở Zimbabwe cho Zhejiang Huayou Cobalt của Trung Quốc với giá 378 triệu USD.
Tuy nhiên, nhiều công ty phương Tây đánh giá rằng, lúc này cơ hội lớn hơn rủi ro.
Chris Moorman, giám đốc thương mại của công ty tinh chế pin và đất hiếm của Mỹ ReElement Technologies, cho biết: “Kinh doanh ở châu Phi không đáng sợ như nhiều người nghĩ.”
Công ty này đang xây dựng một cơ sở xử lý ở Nam Phi để tinh chế lithium thành loại pin — nguyên chất hơn 99,9% — dự kiến sẽ hoàn thành sau 12 đến 18 tháng.
Moorman cho biết công ty đang đàm phán với bốn nhà sản xuất ô tô phương Tây quan tâm đến việc mua lithium có nguồn gốc từ châu Phi.
Boris Kamstra, giám đốc điều hành của Premium Nickel Resources có trụ sở tại Toronto, người trước đây đã điều hành một công ty phát triển mỏ thiếc ở Congo, cho biết: “Trước đây, không ai nghĩ đến việc gửi thiếc cô đặc để nấu chảy đến nước nào khác ngoài Trung Quốc. Nhưng bây giờ, mọi người hiện bắt đầu tìm kiếm các nguồn kim loại pin không phải của Trung Quốc.”