Sáng 13-12, nguồn tin của phóng viên cho biết Công ty CP Cảng Quy Nhơn (trụ sở TP Quy Nhơn, tỉnh Bình Định) đã chuyển hơn 53,48 tỉ đồng đến Cục Thi hành án dân sự (THADS) tỉnh Bình Định để chi trả cho Công ty TNHH Vận tải biển Cửu Long (gọi tắt là Công ty Cửu Long, trụ sở TP HCM) theo bản án của toà phúc thẩm đã có hiệu lực thi hành.
Đây là một trong hai vụ việc liên quan đến phiếu chuyển đơn do ông Lưu Bình Nhưỡng (60 tuổi; ngụ quận Tây Hồ, TP Hà Nội) ký vào đầu năm nay gửi đến cơ quan chức năng tỉnh Bình Định với tư cách là Phó trưởng Ban Dân nguyện – Ủy ban Thường vụ Quốc hội.
Theo hồ sơ vụ việc, bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16-12-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng đã tuyên buộc Cảng Quy Nhơn tiếp tục thực hiện hợp đồng và trả cho Công ty Cửu Long hơn 53,48 tỉ đồng. Ngày 30-12-2022, Cục THADS tỉnh Bình Định ra quyết định thi hành bản án này. Ngày 4-1-2023, Cục THADS tiếp tục gửi thông báo hết thời hạn tự nguyện thi hành án, Cảng Quy Nhơn không thực hiện các nghĩa vụ thi hành án thì bị cưỡng chế.
Ngày 9-1-2023, VKSND Tối cao có văn bản yêu cầu Cục THADS tỉnh Bình Định hoãn thi hành bản án nói trên trong thời gian 3 tháng để xem xét thủ tục giám đốc thẩm theo đề nghị của Cảng Quy Nhơn. Qua 3 tháng nhưng chưa xem xét được thủ tục giám đốc thẩm, ngày 10-4, Cục THADS tỉnh Bình Định ra quyết định về việc tiếp tục thi hành án. Sau đó, Cảng Quy Nhơn đã chuyển hơn 53,48 tỉ đồng đến Cục THADS Bình Định để chi trả cho Công ty Cửu Long.
Ngày 14-6, VKSND Tối cao ban hành quyết định kháng nghị giám đốc thẩm đối với bản án trên. Tuy nhiên, đến thời điểm này, thủ tục giám đốc thẩm vẫn chưa được xem xét.
Cũng trong thời gian diễn ra các vụ việc nói trên, các cơ quan chức năng tỉnh Bình Định nhận được phiếu chuyển đơn của ông Lưu Bình Nhưỡng về việc chuyển đơn kiến nghị của Công ty Cửu Long liên quan đến việc thi hành bản án phúc thẩm số 31/2022/KDTM-PT ngày 16-12-2022 của TAND Cấp cao tại Đà Nẵng. Ngoài phiếu chuyển đơn này, ông Nhưỡng còn có một văn bản khác liên quan đến việc trích lục khai tử một người ở huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định.
Như Báo Người Lao Động đã nhiều lần thông tin, ngày 25-11, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình có văn bản gửi các tỉnh, thành đề nghị phối hợp rà soát, cung cấp thông tin liên quan những văn bản kiến nghị, phiếu chuyển với tư cách đại biểu Quốc hội hoặc Phó trưởng Ban Dân nguyện của ông Lưu Bình Nhưỡng từ tháng 7-2016 đến nay. Qua rà soát, UBND tỉnh Bình Định phát hiện có 2 văn bản, phiếu chuyển đơn do ông Lưu Bình Nhưỡng ký gửi đến tỉnh này.
Trước đó, ngày 14-11, Công an tỉnh Thái Bình đã tống đạt quyết định khởi tố, bắt tạm giam và khám xét chỗ ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Việc khởi tố là từ kết quả sau quá trình điều tra mở rộng vụ án Phạm Minh Cường (37 tuổi; biệt danh Cường “quắt”; ngụ xã Thụy Xuân, huyện Thái Thụy, tỉnh Thái Bình) cùng hành vi cưỡng đoạt tài sản.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiến sĩ luật kinh tế, từng là đại biểu Quốc hội khóa XIV (2016-2021) thuộc Đoàn đại biểu tỉnh Bến Tre; ủy viên Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội. Từ tháng 9-2018, ông Lưu Bình Nhưỡng được Ủy ban Thường vụ Quốc hội điều động, bổ nhiệm giữ chức Phó trưởng Ban Dân nguyện.