Nhiều người có xu hướng cho rằng, học ở nước ngoài nhẹ nhàng và ít áp lực; còn chương trình đào tạo tại Việt Nam nặng và khó hơn. Thực tế có phải như vậy? Tiến sĩ (TS) Nguyễn Yến Khanh, Giảng viên Đại học Erasmus University Rotterdam (Hà Lan), đồng thời là quản trị viên của Pathfinders – nhóm cung cấp thông tin về học bổng, du học đã có những phân tích về vấn đề gây tranh cãi này.
TS cũng lý giải nguyên nhân nhiều học sinh mệt mỏi, chán nản, cảm thấy áp lực và cho rằng, điều này không liên quan đến chương trình học. Cụ thể TS chia sẻ:
Cách tiếp cận nhẹ nhàng hơn không có nghĩa là chương trình học ít hơn
Có 1 huyền thoại là học chương trình “Tây” dễ hơn chương trình “Ta“. Tôi cứ nói đi nói lại là không phải như thế. Chương trình Tây có cách tiếp cận nhẹ nhàng, thoải mái ở cấp 1, nhiều phụ huynh khoe con không phải làm bài tập về nhà, có lẽ vì vậy mà không ít người nhầm tưởng lúc nào “Tây” cũng vừa học vừa chơi.
Thực ra cấp 1 chương trình Mỹ họ cũng dạy trẻ con những khái niệm căn bản của dân chủ, tự do, nhân quyền rồi, tức là về mặt kiến thức cũng không hề hạn hẹp, vấn đề là ở cách tiếp cận. Tôi bắt đầu kèm con học theo chương trình phổ thông Mỹ từ lớp 3, mà môn khoa học lớp 3 của Evan Moor đã có những kiến thức về khí động học và nhiều từ vựng mình không biết.
Còn lên cấp 2 thì học sinh không đến nỗi học ngày học đêm như Việt Nam nhưng cũng phải làm bài tập nghiêm túc, làm gì có chuyện không có bài tập về nhà. Cấp 3 ở Mỹ, bạn nào muốn vào trường top 100 cũng phải học ra trò chứ đâu có chuyện học nhàn, học nhẹ.
Chỉ nhìn vào các môn học cũng thấy giáo dục phương Tây có tính hướng nghiệp từ rất sớm. Lớp 9 là học sinh đã có thể chọn học đủ thứ môn. Chỉ cần kể tên môn học theo chương trình Cambridge của Anh cũng biết 15 tuổi “con nhà người ta” đã được học những gì. Những thứ hoàn toàn xa lạ với học sinh phổ thông Việt Nam là Tư duy Toàn cầu, Kinh tế, Kinh doanh, Tâm lý học, Xã hội học, Tôn giáo học, Kịch nghệ, Báo chí Truyền thông,…
Có được tiếp xúc với các môn chuyên ngành ở mức nhập môn như thế may ra học sinh mới có hình dung ban đầu các ngành khác nhau sẽ học những kiến thức gì, có hợp với thiên hướng của bản thân không, để mà chọn ngành khi vào đại học. 18 tuổi, học sinh đã có cơ hội tiếp cận kiến thức xã hội như một “người lớn”.
Tất nhiên, học sinh được học phân ban theo thiên hướng cá nhân chứ không phải ôm đồm tất cả mọi thứ. Theo khảo sát của tôi, đa số các trường có chương trình Cambridge “xịn” tại Việt Nam, kể cả trường quốc tế 100%, cũng không có nhiều môn cho học sinh lựa chọn như Cambridge nguyên bản.
Ai nghĩ rằng học chương trình Anh, Mỹ cốt để học nhẹ, giảm tải thì sai hoàn toàn
Dưới đây, tôi tóm lược những môn học cấp 3 mà tôi thấy hay trong chương trình phổ thông Mỹ. Tất nhiên, ngoài các môn Toán, Ngữ văn và Khoa học là bắt buộc, học sinh cũng được chọn môn theo sở trường để học và hoàn thành 24 – 26 môn (tín chỉ) trong 4 năm cấp 3 để tốt nghiệp phổ thông chứ không phải ôm tất cả mọi thứ. Chỉ cần nhìn tên môn học thôi đã thấy ngay từ cấp 3 giáo dục Mỹ đã chuẩn bị cho học sinh của họ những gì. Để học được cấp 3 Mỹ đàng hoàng cũng không đơn giản.
“Menu” phong phú, đa dạng thế này, con có sở trường, thiên hướng như thế nào cũng chọn được món hợp khẩu vị với mình. Tôi chỉ liệt kê những môn học không có trong chương trình Việt Nam:
Chính quyền và xã hội dân sự, Kinh tế học, Tài chính Cá nhân, Tâm lý học (AP), Hướng nghiệp và Kỹ thuật, Khoa học máy tính (AP), Quản trị Kinh doanh, Kỹ thuật Điện, Quản trị Thông tin, Kỹ thuật Cấp nước, Kế toán Đại cương, Nhập môn Kinh doanh, Marketing và Tài chính, Nông nghiệp, Khoa học môi trường (AP), Khoa học Sức khỏe, Nhập môn về Cảm xúc Xã hội, Các khái niệm Y học Đại cương. Một môn Khoa học Xã hội thường tích hợp đủ thứ Sử, Địa, Văn hóa, Chính trị, Kinh tế, Tư tưởng Triết học, Tôn giáo, Nghệ thuật.
Cùng học phổ thông Mỹ thì các học sinh trong cùng một ngôi trường cũng đã rất phân hóa. Lên cấp 3, học sinh sẽ học theo môn lựa chọn, theo đuổi những thời khóa biểu rất khác nhau rồi, không phải cả lớp ngồi học chung với nhau tất cả các môn nữa.
Bạn nào giỏi thì vào cấp 3 đã “cày” nhiều môn AP, thực chất là các môn đại cương ở bậc đại học. Những học sinh “cày” được nhiều môn AP có thể vừa làm đẹp hồ sơ để vào đại học, vừa để tích lũy tín chỉ, tiết kiệm học phí ở đại học. Các bạn có sức học trung bình cũng vẫn có lựa chọn khác nhau để lấy đủ tín chỉ tốt nghiệp.
Cùng phải có đủ 3 tín chỉ môn Toán để tốt nghiệp hệ thường; hay 4 tín chỉ môn Toán để tốt nghiệp hệ Honors chẳng hạn. Tuy nhiên môn Toán AP khác hẳn môn Toán phổ thông, hay thậm chí các bạn trung bình và yếu còn có thể chọn những môn Toán giản lược. Trong chương trình học của con tôi có tới 11 phiên bản của các môn Toán, để cho học sinh chọn lựa và hoàn thành 3 – 4 môn. Tôi thấy các môn Toán cấp 3 con tôi đã học khó hơn Toán Việt Nam. Vậy nên ai nói Toán Mỹ dễ thì phải nói cho rõ là Toán nào?
Học sinh Việt Nam mệt mỏi, chán nản, cảm thấy áp lực là do trọng tâm chương trình đặt nặng vào những thứ đánh đố; cách dạy, cách đánh giá chạy theo thành tích mà thôi, hoàn toàn không phải là vì chương trình Việt Nam nhiều kiến thức.
Vậy nhưng các nhà phân tích Mỹ cũng đang rất quan ngại rằng giáo dục phổ thông Mỹ có nhiều vấn đề, không đáp ứng được nhu cầu của thời đại. Chính phụ huynh Mỹ cũng có nhiều người không hài lòng với giáo dục phổ thông Mỹ nên có tới 3 triệu học sinh Mỹ đang học homeschool, vì nhiều lý do khác nhau.
Ở Việt Nam đã có một làn sóng phụ huynh cực đoan cho con unschool (học tập không trường lớp) để khỏi phải đối mặt với chương trình giáo dục nặng nề, bất cập. Dù chính con tôi homeschool vì những lý do bất đắc dĩ, tôi rất lo ngại về phong trào unschool này khi phụ huynh và con cái học tùy hứng mà không theo những khung chương trình bài bản, nền tảng.
Song song đó, có một làn sóng phụ huynh cho con học trường tư hay trường quốc tế để học cho nhẹ. Học trường quốc tế mà học cho tử tế cũng không dễ dàng chút nào, chỉ là đỡ phải học những thứ vô bổ mà thôi. Ai nghĩ rằng học chương trình Anh, Mỹ cốt để học nhẹ, giảm tải thì sai hoàn toàn.