Công ty CP Cảng Đà Nẵng (CDN) vừa công bố BCTC quý 2/2023 với doanh thu thuần bán hàng và cung cấp dịch vụ là 306,6 tỷ đồng, tăng 11% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận trước thuế đạt 88,1 tỷ đồng, tăng 8% so với quý 2/2022 còn lợi nhuận sau thuế ở mức 71 tỷ đồng, tăng 6,9%.
Lũy kế 6 tháng đầu năm 2023, doanh thu thuần của công ty đạt hơn 584 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 171 tỷ đồng và lợi nhuận sau thuế hơn 137 tỷ đồng.
Trong năm 2023, CDN đặt chỉ tiêu tổng doanh thu năm 2023 là 1.250 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế đạt 340 tỷ đồng. Như vậy, kết thúc 6 tháng đầu năm, CDN đã hoàn thành 50,3% kế hoạch lợi nhuận cả năm.
Tính đến ngày 30/6/2023, tổng tài sản của CDN đạt 2.206 tỷ đồng, tăng 147 tỷ đồng so với đầu năm 2023. Trong đó, tài sản ngắn hạn của công ty ghi nhận 1.016 tỷ đồng, riêng các khoản đầu tư tài chính ngắn hạn gần 540 tỷ đồng; tài sản dài hạn 1.190 tỷ đồng (trong đó, tài sản cố định hơn 983 tỷ đồng; tài sản dở dang dài hạn hơn 157 tỷ đồng…).
Bên kia bảng cân đối kế toán, công ty có 653 tỷ đồng nợ phải trả, tăng 38% so với hồi đầu năm. Trong đó, nợ ngắn hạn là 375 tỷ đồng còn nợ dài hạn ở mức 277,8 tỷ đồng.
Tham gia đầu thầu tại Cảng Liên Chiểu
Mới đây, tại buổi làm việc với đoàn công tác Bộ Công Thương ngày 14/7, ông Trần Lê Tuấn, Tổng Giám đốc CDN cho biết, công ty đang gửi hồ sơ đề xuất Bộ KH&ĐT tham gia đầu thầu vào xây dựng bến cảng tại Cảng Liên Chiểu (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng).
“Cảng Đà Nẵng vẫn đang đợi chủ trương chính thức về việc xây dựng số lượng bến cảng tại cảng Liên Chiểu. Cảng Đà Nẵng kỳ vọng sẽ làm được 2 bến hoặc 4 bến tại cảng Liên Chiểu để dần thay thế cảng Tiên Sa”, ông Tuấn cho hay.
Theo ông Tuấn, hiện vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Đà Nẵng chiếm 75%. Nếu Cảng Đà Nẵng không tham gia làm được tại cảng Liên Chiểu thì vốn Nhà nước tại cảng bị giảm. Mọi thiết bị, đầu tư tại Cảng Đà Nẵng hiện đang phục vụ cho công năng là vận chuyển hàng hóa. Khi chuyển sang công năng phục vụ du lịch mà không có cảng hàng hóa thay thế thì nguy cơ giảm vốn, mất vốn nhà nước ở Cảng Đà Nẵng là rất lớn.
Liên quan đến vấn đề đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện cảng Liên Chiểu, ông Lê Minh Tường, Phó Giám đốc Sở KH&ĐT Đà Nẵng cho hay, cảng Liên Chiểu là cảng loại I, thuộc thẩm quyền của Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư.
“Các thủ tục đầu tư hiện nay, Thủ tướng Chính phủ sẽ xem xét chấp thuận. Trên cơ sở đó, thành phố sẽ triển khai thủ tục đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo đúng Luật Đầu tư”, ông Tường cho hay.
Trước đó, trong tháng 3, Đại hội đồng cổ đông của CDN cũng đã chấp thuận chủ trương và giao Hội đồng quản trị tiến hành các thủ tục chuẩn bị đầu tư để cơ quan có thẩm quyền cho phép Cảng Đà Nẵng được đầu tư xây dựng dự án bến Cảng Liên Chiểu giai đoạn khởi động.
Dự án bến cảng Liên Chiểu được quy hoạch, đầu tư và xây dựng tại phường Hòa Hiệp Bắc, quận Liên Chiểu, TP. Đà Nẵng.
Cảng Liên Chiểu là một trong 3 cảng biển nước sâu của Việt Nam, được quy hoạch là cảng đặc biệt với quy mô tiếp nhận tàu tổng hợp, hàng rời trọng tải đến 100.000 tấn, tàu container có sức chở từ 6.000 đến 8.000 TEU.
Dự án gồm 2 hợp phần: Hợp phần A với kinh phí đầu tư trên 3.400 tỷ đồng, được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách trung ương và thành phố, với các hạng mục gồm đê, kè chắn sóng (1.170m); Luồng tàu, vũng quay tàu, hệ thống báo hiệu cho tàu đến 100.000DWT (6.000-8.000 Teu); giao thông đường bộ kết nối đến cảng…
Hợp phần B (giai đoạn khởi động) của dự án có tổng diện tích 44ha, quy mô 2 cầu cảng (750m) được kêu gọi đầu tư bằng nguồn vốn tư nhân. Dự án thuộc thẩm quyền quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ.