Liên danh Công ty CP Tập đoàn Đèo Cả và Công ty Thương mại Dầu khí Lào (Petro Trade) vừa có văn bản gửi Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đề xuất tham gia đầu tư Dự án tuyến đường sắt Việt – Lào đoạn Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ theo phương thức hợp tác công – tư (PPP).
Vào tháng 3/2022, Petro Trade đã ký biên bản ghi nhớ với Tập đoàn FLC của ông Trịnh Văn Quyết về việc hợp tác phát triển dự án tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng. Tuy nhiên, sau khi lãnh đạo FLC vướng vòng lao lý, phía đối tác Lào đã lập tức tìm kiếm một doanh nghiệp khác phía Việt Nam để liên danh.
Liên danh Đèo Cả và Petro Trade đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận cho làm nhà đầu tư đề xuất Dự án tuyến đường sắt Vũng Áng – Tân Ấp – Mụ Giạ theo phương thức PPP. Liên danh cam kết bố trí đủ kinh phí để thực hiện công tác lập hồ sơ đề xuất dự án, trình cấp có thẩm quyền quyết định và chịu mọi rủi ro nếu hồ sơ dự án không được chấp thuận.
Cũng liên quan dự án đường sắt Việt – Lào , vào tháng 3/2022, tại Thủ đô Vientiane (Lào), Tập đoàn FLC và Petro Trade đã ký biên bản ghi nhớ về việc hợp tác phát triển dự án này. Hai bên cam kết cùng tiến hành các hoạt động cần thiết cho việc đầu tư, xây dựng, phát triển đoạn từ Vũng Áng (Hà Tĩnh) đến Cửa khẩu Cha Lo (Quảng Bình), một phần của tuyến đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng. Thậm chí, thời điểm đó, hai doanh nghiệp này còn tuyên bố mục tiêu khởi công dự án ngay trong cuối năm 2022.
Tuy nhiên, tháng 8/2022, ông Trịnh Văn Quyết – cựu Chủ tịch Tập đoàn FLC bị khởi tố để điều tra về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tháng 10 sau đó, PetroTrade ký biên bản ghi nhớ hợp tác trong lĩnh vực hạ tầng với Đèo Cả, trong đó có Dự án đường sắt Việt – Lào; tới tháng 3 vừa qua, hai bên đã ký thoả thuận liên danh thực hiện dự án đường sắt này.
Dự án đường sắt Viêng Chăn – Vũng Áng dài khoảng 555 km, trong đó có 452km đi trên địa phận Lào và 103 km trên lãnh thổ Việt Nam, với tổng mức đầu tư dự kiến khoảng 5 tỷ USD (tương đương khoảng 149.550 tỷ đồng)
Với đoạn qua Việt Nam, dự kiến có lộ trình nối từ Vũng Áng (Kỳ Anh, Hà Tĩnh) – Mụ Giạ (Quảng Bình) và vượt biên giới đi vào lãnh thổ Lào, đoạn phía Việt Nam có 8 nhà ga (1 ga chính, 7 ga trung gian) với tổng mức đầu tư khoảng 27.485 tỷ đồng.
Tuyến đường sắt Việt – Lào được kỳ vọng sẽ thành cửa ngõ để hàng hóa xuất/nhập khẩu của Lào quá cảnh qua cảng Vũng Áng (đi đường biển kết nối với quốc tế, kết hợp với khai thác tàu khách phục vụ du lịch, thương mại).
Theo quy hoạch mạng lưới đường sắt Việt Nam thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tuyến đường sắt Vũng Áng – Viên Chăn được xác định lộ trình đầu tư trước năm 2030.