Ngày 28/11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ký quyết định về việc phong tặng danh hiệu NSND. Đi kèm quyết định là danh sách 42 nghệ sĩ có nhiều cống hiến xuất sắc trong sự nghiệp xây dựng và phát triển nền văn hóa của dân tộc.
Trong danh sách đợt 2 lần phong tặng NSND có tên NSƯT Thanh Lam. Cô cũng là diva duy nhất trong bộ tứ diva nhạc nhẹ Việt Nam được phong tặng NSND. Điều này khiến nhiều người thắc mắc về tài năng và cống hiến của Thanh Lam.
Tiên phong về kỹ thuật hát vào nhạc nhẹ Việt Nam
Cống hiến lớn nhất của Thanh Lam vào nhạc nhẹ Việt Nam là những tiên phong về mặt kỹ thuật hát, giúp âm nhạc được đổi mới về cách hát.
Cộng minh trên quãng trung là kỹ thuật được Thanh Lam tiên phong vào nhạc nhẹ và cũng trở thành cách hát đặc trưng làm nên thương hiệu riêng của cô đến tận ngày nay.
Kỹ thuật này phù hợp với các giọng trung (ở Việt Nam thường là mezzo soprano và tenor 2), giúp họ phát huy thế mạnh, nội lực bẩm sinh của giọng hát. Theo đó, người ca sĩ chọn vị trí âm thanh vùng mask (mặt nạ) để cộng hưởng âm thanh bằng giọng ngực (chest voice) trên khoảng âm từ E4 tới A4.
Người hát sẽ biến đổi các âm tiết đóng sang hơi mở, phát âm khẩu hình tròn, hơi dựng lên trên, khác với lối hát rõ, sắc nét từng âm tiết của bạch thanh, lợi dụng các khoảng vang trong hộp sọ vùng phía trước để tạo độ vang, dàn trải cho giọng. Nhờ đó, ca sĩ hát tốn ít sức lực mà vẫn tạo được luồng âm thanh lớn, vang dội, cuộn trào và nổi trên nhạc.
Trước Thanh Lam, rất ít ca sĩ sử dụng cách hát cộng minh này, nhưng sau cô, nhiều đàn em đã học hỏi và làm theo. Hồng Ngọc là ca sĩ sử dụng cộng minh gần giống với Thanh Lam nhất vì cùng là nữ trung dày, trầm và có vị trí âm thanh khá giống nhau, tiếp đó là Hồ Ngọc Hà, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh… Tất nhiên, những ca sĩ này không đẩy cộng minh tới cùng cực trong giọng hát (tức là sử dụng mọi lúc mọi nơi) như Thanh Lam nên ít người nhận ra, nhưng vẫn thể hiện qua một số đoạn hát.
Thanh Lam là một trong những ca sĩ tiếp cận với nhạc Âu Mỹ sớm nhất ở miền Bắc trong giai đoạn cuối thập niên 80, đầu thập niên 90. Thời điểm này, nhạc đại chúng Âu Mỹ đang nở rộ các dòng nhạc hiện đại, trẻ trung như Soul, R&B, Rock, với những đại diện tiêu biểu như Whitney Houston, Tina Turner, Celine Dion, Mariah Carey, Aretha Franklin…
Là người cá tính, nổi loạn và cởi mở trong tư duy âm nhạc, Thanh Lam đã nhanh chóng tiếp cận và học hỏi cách hát từ những ca sĩ quốc tế này.
Cần nhấn mạnh rằng việc học hỏi này hoàn toàn là tự học, tự cảm nhận, tự mò đường, chứ không có trường lớp nào ngày ấy đào tạo. Các trường nhạc chính quy lúc bấy giờ chỉ đào tạo thanh nhạc theo hướng cổ điển, chính thống, chưa cập nhật những lối hát mới của nhạc đại chúng quốc tế. Vì thế, có thể xem Thanh Lam như người đốt đèn mở đường, đi trước dẫn lối cho những ca sĩ sau này.
Vai trò của người mở đường rất quan trọng vì họ hoàn toàn tự đi, không có thầy cô nào dạy hay được nhạc sĩ cầm tay chỉ việc, hướng dẫn cách hát. Trong thời buổi còn khó khăn và thiếu thốn những năm cuối thập niên 80, việc cập nhật và tiếp cận được cái mới như Thanh Lam là rất đáng nể, khi cô chỉ nghe các ca sĩ Âu Mỹ hát trên băng đĩa rồi học theo. Tương tự như Thanh Lam là Bảo Yến ở miền Nam. Hai nữ ca sĩ này đã tiên phong trong việc áp dụng những lối hát, kỹ thuật hiện đại của âm nhạc thế giới vào nhạc Việt.
Cụ thể, Thanh Lam đã học hỏi các cách sử dụng melisma, run/riff (các kỹ thuật đặc trưng của dòng Soul/R&B) để áp dụng sáng tạo vào thể hiện ca khúc. Ngày đó, Thanh Lam vô cùng táo bạo, thổi làn gió mới lạ vào nhạc Việt qua những đoạn chạy note ngẫu hứng, sáng tạo trên cả chest voice lẫn giả thanh. Các đoạn phiêu giả thanh A5 rồi luyến láy vocal runs liên tục của Thanh Lam chêm xen vào ca khúc tạo tiền đề về cách hát cho nhiều ca sĩ sau này.
Cô cũng nắm bắt được cách nhả chữ, nhảy nhịp theo đúng tinh thần Soulful, kết hợp với một số lối hát cực kỳ mới, đặc trưng như hát raspy, squalling nhẹ.
Những kỹ thuật, lối hát mới này được thể hiện rõ hơn khi Thanh Lam hát live. Bằng sự sáng tạo, bản năng đậm chất nghệ sĩ của mình, Thanh Lam mỗi lần hát live lại một khác. Cô chêm xen vào ca khúc những đoạn chạy note, ngân nga ngẫu hứng theo tinh thần Souful. Chưa dừng lại ở đó, Thanh Lam còn thêm vào bài hát cả những đoạn thở rất tình tứ, đậm chất đàn bà, phô diễn giới tính vào âm nhạc. Đó là lí do vì sao cô được mệnh danh là “Người đàn bà hát”.
Giọng Thanh Lam vốn không quá khàn, nhưng cô tự mài giọng khàn hơn qua cách hát raspy để thể hiện ca khúc có màu Rock, Soul. Sau này, Phương Thanh cũng là ca sĩ tự mài giọng khàn đi so với giọng bẩm sinh (vốn không khàn) để hát Rock cho ra chất.
Điều đáng nói là Thanh Lam ngày đó không lạm dụng vibrato như sau này. Cô hát thẳng, man dại và hiện đại, nghe rất đã tai và cảm xúc.
Nói cách khác, Thanh Lam giống một ca sĩ da màu của Việt Nam. Cô bước lên sân khấu như một hiện thân của Aretha Franklin, Patti Labelle, Jennifer Holliday hay Whitney Houston, hát bằng sự man dại, hát chân thật, hát để bộc hết tâm can, không chút che đậy, giấu diếm.
Dù kĩ thuật rất nhiều, nhưng Thanh Lam trước sau vẫn hát chủ yếu bằng bản năng của tâm hồn đàn bà đầy đam mê, khát khao, cháy bỏng và hừng hực nhựa sống.
Biểu tượng của nữ quyền trong âm nhạc và tiên phong Nam tiến thành công
Trong văn hóa nhạc đại chúng và cộng đồng diva fan tại Việt Nam, Thanh Lam giống như một biểu tượng của quyền lực phụ nữ và niềm kiêu hãnh của giọng hát Việt. Cô đại diện cho một trường phái riêng, tạo ảnh hưởng lên nhiều thế hệ ca sĩ sau này.
Trường phái Thanh Lam đặc trưng bởi lối hát nội lực, phô diễn quyền lực nữ giới thông qua giọng hát, sẵn sàng “đàn áp” bất cứ ai hát chung, khác hoàn toàn với những giọng nữ mảnh mai, mềm mại trước đây.
Trường phái này còn ghi dấu bởi lối hát khắc khoải, ưu sầu, hát mà như thủ thỉ, tâm tình, đãi chữ dài hơn, hơi “rên rỉ” để bộc lộ nội tâm bùng cháy, bản năng của người phụ nữ, và kèm theo chất liêu trai, ma mị ở những quãng trầm bổng, luyến láy, nhưng vô cùng chắc chữ, rõ lời.
Chất “bản năng” và “cháy bỏng” là điều người ta thấy rõ nhất ở trường phái Thanh Lam, mà theo lời nhạc sĩ Dương Thụ là: “Một giọng hát mê hồn, cá tính táo bạo, bản năng nghệ sĩ thật sự… “.
Chính cái chất đặc trưng này khiến Thanh Lam nhiều khi “gào thét”, nhưng cái “gào thét” đó lại quyến rũ được cả khán giả lẫn giới chuyên môn.
Trường phái Thanh Lam chủ yếu “dung nạp” các giọng nữ trung, nữ trầm và giọng nam, để thể hiện chiều sâu qua các quãng trầm và quãng trung dày dặn.
Lối hát của Thanh Lam ảnh hưởng nhiều đến các thế hệ ca sĩ sau này như Ngọc Anh, Thu Phương, Mỹ Linh, Hà Trần, Hoàng Quyên, Đàm Vĩnh Hưng, Uyên Linh, Hà Linh… Trong đó, Uyên Linh, Hoàng Quyên là những ca sĩ đang đi theo trường phái của cô. Ngày nay, hễ có ca sĩ nào hát theo kiểu phiêu giọng khắc khoải, chất chứa tâm sự trên quãng trung, ta đều thấy bóng dáng của Thanh Lam ở đó. Số lượng những ca sĩ kiểu này rất nhiều, dễ chiếm đến 30% nền nhạc nhẹ Việt Nam, nên có thể thấy được tầm ảnh hưởng rất lớn của cô.
Trong đó, có khá nhiều ca sĩ trẻ có phong cách ấn tượng, chuyên môn vững vàng như Hà Trần, Tùng Dương, Thu Minh, Uyên Linh… Rất hi vọng những ca sĩ này có thể tạo nên trường phái nhạc của riêng mình trong tương lai.
Vào đầu thập niên 90, Thanh Lam và Hồng Nhung là hai nữ ca sĩ miền Bắc đã Nam tiến thành công, được khán giả miền Nam đón nhận và tiên phong cho dòng nhạc trẻ miền Bắc. Nhờ có, cô mở đường cho nhiều ca sĩ đàn em sau này.