VN-Index có một tuần giao dịch bùng nổ khi chỉ số vượt dứt khoát ngưỡng cản tâm lý 1.200 với sự ủng hộ của cả điểm số và thanh khoản. Bất chấp các chỉ báo đi vào vùng quá mua, nhưng dòng tiền vẫn đang vận động tích cực giúp VN-Index tăng điểm 4 tuần liên tiếp.
Chưa có dấu hiệu cho thấy thị trường sẽ điều chỉnh
Trong Tiêu điểm chứng khoán do Chứng khoán MBS tổ chức, ông Hoàng Công Tuấn – Kinh tế trưởng MBS cho rằng cú bứt mạnh trong phiên cuối tuần một lần nữa xác nhận xu hướng tăng của chỉ số.
Lực mua chủ động áp đảo khiến các nhóm cổ phiếu dẫn dắt như chứng khoán, bất động sản gần như không có nhịp chỉnh nào đáng kể. Thậm chí, tại những nhịp chỉ số chậm lại, nhà đầu tư không những không có ý định chốt lời mà xem đó là cơ hội để giải ngân.
Tâm lý hưng phấn khiến dòng tiền không còn quá quan tâm đến mùa báo cáo quý 2, nhiều cổ phiếu vẫn tăng bất chấp KQKD ảm đạm. Đơn cử như nhóm BĐS, dù KQKD phân hoá nhưng cả nhóm đều đồng loạt đi lên.
“Tính riêng trong nửa tháng gần đây, điểm số VN-Index luôn nằm trên ngưỡng MA5. Thị trường vẫn đang trong xu hướng uptrend và chưa có dấu hiệu nào cho thấy chỉ số sẽ gặp điều chỉnh trong thời gian tới”, ông Hoàng Công Tuấn đưa ra bình luận.
Một trong những yếu tố kích hoạt đà tăng của thị trường là xu hướng tích cực từ lãi suất. Dù lãi suất toàn cầu đã xác lập vùng đỉnh, song ông Tuấn cho rằng Fed khó đưa ra quyết định hạ lãi suất trong năm nay khi nền kinh tế Mỹ đang rất “khoẻ” và thị trường lao động cũng tương đối ổn định.
Thực tế, NHNN đã đón đầu xu hướng giảm lãi suất với 4 lần hạ lãi suất. Để đưa ra quyết định hạ thêm lãi suất điều hành hay không cần chờ đợi phản ứng của các NHTW lớn, song ông Tuấn cho rằng lãi suất cho vay ở Việt Nam có thể sẽ giảm thêm trong thời gian tới.
“Dòng tiền trên thị trường đang khá hung hãn, thị trường tuần sau khả năng sẽ có một nhịp tăng nước rút lên 1.240 điểm với thanh khoản duy trì trên 20 nghìn tỷ đồng”, vị chuyên gia cho hay.
Nhiều cổ phiếu đang “đắt” so với KQKD năm nay, thậm chí năm sau nữa
Chuyên gia MBS cho rằng dòng tiền đầu cơ đang chảy trên thị trường có thể sẽ tìm đến một số nhóm cổ phiếu dẫn dắt như BĐS, chứng khoán, ngân hàng và bán lẻ.
Những nhóm cổ phiếu này chủ yếu đi lên với kỳ vọng KQKD sẽ sáng sủa hơn trong thời gian tới, song cần lưu ý giá cổ phiếu đã “chạy” trước một đoạn khá dài và không còn quá rẻ. Do đó, nhà đầu tư cần xác định đây là thời điểm đầu cơ nhanh theo dòng tiền, nếu tham gia cần quản trị rủi ro tốt.
“Hiện tại, để tìm được cổ phiếu tiềm năng tốt, định giá rẻ khó hơn nhiều so với giai đoạn thị trường lình xình đi ngang. Sau nhịp tăng dài, định giá thị trường không còn rẻ, nhiều cổ phiếu đang đắt so với KQKD trong năm nay, thậm chí năm sau nữa”, Kinh tế trưởng MBS cho biết.
Trước đó, ông Hoàng Công Tuấn nhận định thị trường vẫn còn nhiều lực cản khi động lực tăng trưởng lợi nhuận vẫn kém khả quan. Trong bối cảnh nền kinh tế vẫn còn nhiều thách thức, tăng trưởng lợi nhuận dù có thể tạo đáy nhưng khó hồi phục mạnh mẽ. Chuyên gia cho rằng dòng tiền khó vào mạnh đẩy giá cổ phiếu tăng quá cao khi kết quả kinh doanh kém ấn tượng.
Bên cạnh đó, khi VN-Index càng lên cao và xa định giá thực, sẽ cần một lượng tiền dồi dào hơn. Nhiều kỳ vọng cho rằng thị trường sẽ lên 1.400 -1.500 điểm nhưng điều này không dễ. Bởi để tăng mạnh về lại mức điểm trên, ước tính cần thêm 30% lượng tiền “bơm” vào thị trường, tương đương xấp xỉ 42.000 tỷ/phiên.