Căng thẳng địa chính trị là mối đe dọa lớn nhất đối với kinh tế và các thị trường toàn cầu năm 2024, theo kết quả khảo sát 500 nhà đầu tư khắp thế giới do Ngân hàng Đầu tư Natixis (Pháp) thực hiện mới đây.
Cuộc khảo sát cho thấy rủi ro địa chính trị được xem là còn nghiêm trọng hơn cả những rủi ro khác, như sai lầm về chính sách của các ngân hàng trung ương, sức tiêu dùng giảm…
Ngoài ra, cuộc bầu cử tổng thống ở Mỹ trong năm tới cũng là một mối bận tâm lớn. Cụ thể, 72% nhà đầu tư lo ngại một mùa bầu cử hỗn loạn ở Mỹ sẽ khiến thị trường thêm biến động.
Các nhà phân tích tại Công ty Pictet Asset Man-agement (Thụy Sĩ) cũng chia sẻ nỗi lo này khi chỉ ra rằng nhiều nước dự kiến tổ chức bầu cử trong năm tới và rủi ro địa chính trị khó có thể giảm bớt.
Báo cáo của Natixis nhận định các nhà đầu tư có lý do để lo ngại khi bối cảnh chính trị trở nên kém ổn định hơn khi bước vào năm 2024, nhất là sau khi chứng kiến giai đoạn đầu của cuộc khủng hoảng ở Ukraine đẩy giá năng lượng và lương thực lên cao trong năm 2022.
“Rủi ro địa chính trị luôn tồn tại nhưng có những thời điểm rủi ro này tăng mạnh” – ông Dave Goodsell, chuyên gia tại Natixis, nhìn nhận.
Theo trang Axios hôm 11-12, nhiều công ty tài chính khác cũng ghi nhận quan điểm tương tự thời gian gần đây. Trong khảo sát của Ngân hàng Bank of America (Mỹ), 89% nhà quản lý được hỏi cho biết rủi ro địa chính trị đang ở trên mức bình thường.
Trong khi đó, báo cáo của Viện Đầu tư BlackRock (Anh) lưu ý rằng trong lịch sử, các sự kiện địa chính trị có tác động ngắn hạn đến thị trường và kinh tế, nhưng điều đó đã thay đổi. “Ngày nay, chúng tôi coi địa chính trị là một rủi ro mang tính cấu trúc của thị trường” – Viện Đầu tư BlackRock nhấn mạnh.
Riêng cuộc khảo sát của Công ty Oxford Economics (Anh) cho thấy 62% trong số 130 doanh nghiệp cho rằng địa chính trị là rủi ro rất đáng kể đối với kinh tế toàn cầu.
Đáng chú ý, 40% doanh nghiệp đánh giá cuộc xung đột đang diễn ra giữa Israel và nhóm vũ trang Hamas là rủi ro lớn đối với kinh tế toàn cầu trong hai năm tới. Một nguy cơ được nói đến là xung đột này lan rộng tại Trung Đông, làm gián đoạn hoạt động vận chuyển năng lượng qua Eo biển Hormuz.
Trang Bloomberg nhận định căng thẳng gia tăng đe dọa làm tổn thương nền kinh tế toàn cầu hiện đối mặt với giá tăng và chi phí vay mượn cao. Nghiên cứu mới của Bloomberg Economics cho thấy thiệt hại kinh tế do xung đột trong năm nay có thể đạt mức cao nhất kể từ cuối Thế chiến II. Ngoài ra, báo cáo hôm 11-12 của Hội nghị Liên Hiệp Quốc về Thương mại và Phát triển (UNCTAD) cho biết thương mại toàn cầu năm 2023 sẽ giảm 5% so với năm ngoái.
Theo dự báo mới nhất của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), tăng trưởng toàn cầu sẽ đạt 3% năm nay và giảm còn 2,9% năm 2024. IMF cho rằng kinh tế thế giới vẫn còn đối mặt một số thách thức, trong đó có hoạt động sản xuất chậm lại và nhiều ngân hàng trung ương siết chính sách tiền tệ để hạ nhiệt lạm phát.