Sau khi Báo Người Lao Động đăng tải các bài “Chật vật thu hồi nợ vay tiêu dùng”, “Hạn chế “vay mà không trả” cách nào?, phản ánh tình trạng người vay tiêu dùng “rủ nhau bùng nợ”, xù nợ, ngày càng gia tăng, luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty luật SBLAW, cho biết khi người vay không trả được nợ sẽ phải đối mặt với nhiều hệ lụy và hậu quả đáng tiếc.
Theo đó, công ty tài chính có thể tăng lãi suất và áp đặt phí phạt, làm tăng tổng số tiền mà người vay phải trả.
“Không thanh toán nợ đúng hạn sẽ ảnh hưởng đến điểm tín dụng của người vay và bị ghi chú thông tin nợ và bị “đánh dấu đen” làm tăng khó khăn cho khách hàng nếu muốn vay tiền từ nguồn khác. Một điểm tín dụng thấp có thể làm giảm khả năng vay tiền trong tương lai và tăng chi phí tín dụng” – luật sư Nguyễn Thanh Hà nói.
Đối với những khoản vay được bảo đảm bằng tài sản như nhà đất hoặc xe, người cho vay có thể yêu cầu thu hồi tài sản để bù đắp cho số tiền nợ chưa thanh toán.
Khi người vay không hoàn trả số tiền đã vay ở mức độ nghiêm trọng, các ngân hàng và công ty tài chính tiêu dùng hoàn toàn có thể khởi kiện người vay ra tòa án nơi xảy ra hoạt động cho vay.
“Trong trường hợp xác định có dấu hiệu của tội phạm, cơ quan chức năng sẽ thực hiện điều tra và áp dụng các hình thức xử lý theo luật hiện hành, có thể bao gồm phạt hành chính, tịch thu tài sản, hay truy tố. Việc này khiến cho người vay phải đối mặt với rủi ro pháp lý và có thể mất các quyền lợi pháp lý liên quan đến tài sản và tài chính cá nhân” – luật sư Hà nói thêm.
Thời gian qua, công ty tài chính cho biết rất đau đầu vì tình trạng nợ xấu tăng cao nhưng đòi không dễ, chưa kể tình trạng bùng nợ, xù nợ… ngày càng nhiều.
Theo số liệu được Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNBA) công bố mới đây, cho vay tiêu dùng của 16 công ty tài chính tính đến ngày 30-9 giảm gần 68.000 tỉ đồng so với cuối năm ngoái, trong khi nợ xấu lại nhảy vọt.
Để góp phần hạn chế nợ xấu vay tiêu dùng và tránh rủi ro người vay bị đưa vào “danh sách đen” trên Trung tâm thông tin tín dụng quốc gia (CIC), các chuyên gia khuyến cáo người vay cần thực hiện ứng xử cẩn thận, tạo thói quen trong quản lý giấy tờ cá nhân và nghĩa vụ trả nợ đúng hạn.
Luật sư Nguyễn Thanh Hà khuyến cáo người vay phải luôn thanh toán đúng hạn. Luôn thanh toán các khoản vay, thẻ tín dụng và các khoản nợ khác đúng hạn thanh toán, đúng hạn giúp duy trì một lịch sử tín dụng tích cực. Mọi khoản nợ từ nhỏ đến lớn đều là cơ sở để đánh giá trên CIC.
Bên cạnh đó, người vay cần giữ mức nợ hợp lý, tránh tích tụ quá nhiều nợ so với khả năng chi trả. Mức nợ quá lớn có thể tăng rủi ro và ảnh hưởng đến khả năng thanh toán của người vay.
Đồng thời, phải kiểm soát thẻ tín dụng, sử dụng thẻ tín dụng một cách có trách nhiệm và chỉ chi tiêu những khoản có khả năng thanh toán.
Người vay cần thông báo cho ngân hàng nếu có dự định có sự thay đổi lớn trong tình trạng tài chính, chẳng hạn mất việc làm hoặc một số biến động tài chính đột ngột khác.
Cuối cùng, người vay cần kiểm tra thông tin tín dụng định kỳ để bảo đảm rằng mọi thông tin đều chính xác và không có sai sót.
Hỗ trợ người vay tiêu dùng xây dựng kế hoạch trả nợ
Công ty tài chính cần đẩy mạnh công tác tư vấn cung cấp các dịch vụ tư vấn tài chính để giúp người vay hiểu rõ hơn về tình hình tài chính của họ. Hỗ trợ người vay xây dựng kế hoạch trả nợ có thể điều chỉnh trên khả năng tài chính của họ. Các kế hoạch này có thể bao gồm điều chỉnh lãi suất, thời hạn vay hoặc chương trình trả nợ theo giai đoạn…
“Công ty tài chính có thể xem xét và thảo luận với người vay về khả năng gia hạn thời hạn thanh toán để giảm áp lực tài chính ngay lập tức. Tổ chức các chương trình đào tạo tài chính cho người vay để nâng cao ý thức và kỹ năng quản lý tài chính cá nhân của họ” – luật sư Hà nói.