Hội thảo do Hội đồng Lý luận Trung ương và Tỉnh ủy Bình Dương phối hợp tổ chức ngày 13-12. Tham dự có nguyên Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết, lãnh đạo một số bộ ngành, nhà quản lý, nhà khoa học, chuyên gia…
Kết hợp hiệu quả giữa nhà nước và doanh nghiệp
Tại hội thảo, các đại biểu đã tập trung thảo luận, làm sâu sắc hơn một số vấn đề trọng tâm như phân tích, làm rõ thêm những vấn đề lý luận và thực tiễn về mô hình phát triển cấp tỉnh trong tiến trình đổi mới đất nước; từ thực tiễn phát triển của Bình Dương, làm rõ nội hàm, khắc họa mô hình phát triển của tỉnh.
Các đại biểu còn đặt ra những vấn đề đối với mô hình này khi Bình Dương bước vào giai đoạn phát triển mới; đề xuất các quan điểm, định hướng phát triển của tỉnh đến giữa thế kỷ XXI, đóng góp cho việc xây dựng dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XII.
GS-TS Nguyễn Xuân Thắng cho rằng thời gian qua, Bình Dương đã chủ động, dám nghĩ, tận dụng lợi thế ít ỏi, hiếm hoi, mang tính chất chắt chiu nhưng dám bứt phá để thay đổi.
“Sự thành công này cũng dựa một phần vào TP HCM, nhưng đó chỉ là dựa vào vị trí, sau đó Bình Dương lại có cách đi rất khác, với sự kết hợp giữa nhà nước và doanh nghiệp” – GS-TS Nguyễn XuânThắng nhìn nhận.
Tận dụng “lợi thế đi sau”, “đứng bên cạnh và đi cùng người khổng lồ”, Bình Dương đã tìm ra con đường “phát triển rút ngắn” hiệu quả, thu hút được nguồn vốn đầu tư, nguồn lao động dồi dào nhờ hiệu ứng kết nối và lan toả, để đẩy nhanh tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hóa; từng bước hình thành cách làm riêng “dựa vào các nhà đầu tư chiến lược làm đầu tàu kích hoạt”, vươn ra thế giới và đạt được những thành tựu nổi bật.
Mô hình phát triển của Bình Dương chính là sự kết hợp một cách hài hóa, linh hoạt và sinh động của nhiều cấu phần mang tính đột phá nói trên. Đó là những mô hình: công ty phát triển Becamex IDC, Khu công nghiệp Việt Nam – Singapore (VSIP); Thành phố thông minh Bình Dương; Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, mô hình công nghiệp – đô thị – dịch vụ thông minh, bền vững; công nghiệp – đô thị – dịch vụ quốc tế – đổi mới sáng tạo – khoa học công nghệ…
Lãnh đạo Bình Dương qua các thời kỳ đã có tầm nhìn chiến lược về quy hoạch xây dựng hạ tầng, quy hoạch phát triển kinh tế xã hội, và đã thành công trong việc tạo dựng môi trường kinh doanh tốt để doanh nghiệp phát triển. Becamex IDC là doanh nghiệp nhà nước được chính quyền tỉnh Bình Dương sử dụng khéo léo như một phương tiện để thu hút nguồn lực.
Thông qua chính doanh nghiệp nhà nước đó, Bình Dương tái đầu tư, củng cố và kiến tạo hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, trực tiếp hỗ trợ tăng trưởng nền kinh tế. Qua 30 năm phát triển, dấu ấn đậm nét đó được thể hiện qua sự đồng hành và gắn kết khăng khít giữa chính quyền và các doanh nghiệp nhà nước trụ cột.
Suy nghĩ rộng hơn đến cửa khẩu Mộc Bài, sân bay Long Thành
Theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, Bình Dương đã có cách đi rất khác, từ một tỉnh nông nghiệp nhưng ngay từ đầu muốn hướng trở thành một tỉnh công nghiệp. Trong không gian phát triển đó, ngay từ rất sớm, tỉnh đã hình thành hạ tầng, một đô thị mới, tạo không gian phục vụ phát triển.
Kể cả hạ tầng công nghiệp cũng khác, ít có địa phương nào có tới 30 khu công nghiệp, 10 cụm công nghiệp như Bình Dương. Trong giai đoạn mới, việc lựa chọn ngành ưu tiên và chuyển dần hướng vào ngành có hàm lượng công nghệ cao, sinh thái… chứng tỏ Bình Dương đã dám thay đổi, “không ăn mày với dĩ vãng”.
Tuy nhiên, theo GS-TS Nguyễn Xuân Thắng, để định vị vài chục năm tới, trong khi ở Bình Dương vẫn thông thoáng thì về tới TP HCM giao thông lại tách nghẽn. Do đó, tỉnh phải suy nghĩ rộng hơn về cửa khẩu Mộc Bài, hành lang Đông Tây, kể cả tính đến sân bay Long Thành.
“Hạ tầng kết nối đến sân bay Long Thành đã có chưa, trong quy hoạch có điều chỉnh không? Rồi các tuyến kết nối Cái Mép – Thị Vải, tuyến Tây Nguyên như thế nào?” – GS-TS Nguyễn Xuân Thắng đặt vấn đề.
Một việc đáng quan tâm nữa là nguồn lao động phục vụ nhu cầu phát triển. Nhiếu người dân tại Bình Dương tuy ở đô thị nhưng cơ bản vẫn là phong cách nông dân, chưa được đào tạo.