Nối tiếp xu hướng tăng kéo dài nhiều năm qua, cổ phiếu FPT tiếp tục lập đỉnh cao mới 84.400 đồng/cp trong phiên 28/7. Tại mức giá này, vốn hóa FPT lên tới 107.185 tỷ đồng.
Mức định giá hiện tại giúp FPT đứng thứ 13 trong top những doanh nghiệp có vốn hóa lớn nhất trên sàn chứng khoán Việt Nam và là đại diện duy nhất trong nhóm công nghệ xuất hiện trong danh sách “tỷ đô”vốn hóa.
Lợi nhuận quý 2 cao kỷ lục, triển vọng kinh doanh tích cực
Kết quả kinh doanh liên tục tăng trưởng là yếu tố quan trọng giúp cổ phiếu FPT bứt phá xuyên suốt nhiều năm qua.
Riêng trong quý 2/2023, FPT ghi nhận 12.484 tỷ đồng doanh thu, tăng 24%; lợi nhuận sau thuế 1.856 tỷ đồng, tăng trưởng 19% so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức lợi nhuận kỷ lục FPT đạt được tính theo quý, điều đã diễn ra khá quen thuộc trong nhiều quý trước đó.
Lũy kế 6 tháng đầu năm, FPT đạt tổng doanh thu 24.166 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế 4.339 tỷ đồng, tăng lần lượt 22% và 19% so với cùng kỳ. Lợi nhuận ròng đạt 3.003 tỷ đồng.
Về cơ cấu doanh thu nửa đầu năm, mảng công nghệ vẫn là động lực tăng trưởng chính của FPT khi tăng hơn 25% so với cùng kỳ năm trước, đạt 14.202 tỷ đồng nhờ tăng trưởng doanh thu mạnh mẽ từ thị trường Nhật Bản (+39,1%) và châu Á – Thái Bình Dương (+42,5%). Song song, doanh thu của hai mảng còn lại là viễn thông và giáo dục & khác trong 6 tháng đầu 2023 cũng khá tích cực với mức tăng lần lượt 9% và 64% so với cùng kỳ năm trước.
Trong báo cáo cập nhật mới công bố, Chứng khoán VNDirect đưa ra quan điểm tích cực về triển vọng của FPT 2023-24. Giá trị hợp đồng ký mới (chưa ghi nhận doanh thu) của dịch vụ CNTT toàn cầu nửa đầu năm đạt trên 15.000 tỷ đồng, tăng 29% so với 6 tháng đầu 2022 cho thấy tiềm năng tăng trưởng lớn về doanh thu trong các quý tiếp theo.
VNDirect dự phóng doanh thu mảng công nghệ của FPT đạt 29.699 tỷ đồng trong năm 2023 và đạt 37.037 tỷ đồng trong năm 2024, lần lượt tăng trưởng 16% và 25% so với cùng kỳ. Trong đó, dịch vụ CNTT toàn cầu dự kiến tăng 24% và 28% trong các năm 2023 và 2024 nhờ đóng góp cao hơn từ thị trường APAC và Nhật Bản.
Đồng thời, nhóm phân tích kỳ vọng doanh thu mảng công nghệ đạt CAGR 14,1% trong giai đoạn 2023-25 nhờ sự tăng trưởng của Data Center. Mảng kinh doanh Data Center sẽ phát triển nhờ nhu cầu điện toán đám mây ngày càng tăng. FPT tiếp tục mở rộng Data Center với kế hoạch mở thêm 2 Data Center tại Hồ Chí Minh và 1 Data Center tại Hà Nội.
Chung quan điểm tích cực, Agriseco Research nhận định FPT là cổ phiếu đầu ngành công nghệ và sẽ tiếp tục hưởng lợi nhờ xu hướng chuyển đổi số toàn cầu. Nhóm phân tích Agriseco dự báo FPT sẽ tăng trưởng 18-20% trong quý 3/2023 và cả năm 2023 nhờ 2 động lực tăng trưởng chính là xuất khẩu phần mềm và chuyển đổi số bất chấp kinh tế toàn cầu suy yếu.
Luôn nằm trong danh sách yêu thích của quỹ ngoại
Không những tăng trưởng đều đặn, FPT còn là cổ phiếu có độ “hot” bậc nhất trên sàn chứng khoán trong nhiều năm qua nhờ cơ cấu cổ đông khá cô đặc.
Minh chứng rõ nhất, FPT luôn trở thành tâm điểm và là một trong những cái tên khó sở hữu nhất của nhà đầu tư. Tình trạng kín “room” ngoại thường xuyên xảy ra khiến các nhà đầu tư đến sau gặp khó trong việc nắm giữ, thậm chí nhà đầu tư phải trả thêm phí thưởng (premium) để giao dịch. Từng có thời điểm, NĐT ngoại phải trả giá cao hơn thị giá trên sàn 20-30% để có thể giao dịch.
Tính đến ngày 28/7, NĐT nước ngoài đang nắm giữ trên 541 triệu cổ phiếu FPT, tương đương 49% vốn điều lệ.
Thêm vào đó, cổ phiếu FPT thường có mặt trong nhóm những khoản đầu tư lớn nhất của các quỹ ngoại hàng đầu trên thị trường. Báo cáo mới nhất ngày 20/7 của VEIL, quỹ tỷ USD do Dragon Capital quản lý cho biết, tỷ trọng mã FPT đạt mức 4,95%, xếp thứ 6 trong danh mục các khoản đầu tư lớn nhất.
Danh sách cổ đông của FPT còn có hàng loạt các quỹ lớn khác như quỹ ETF DCVFMVN DIAMOND, tổ chức Macquarie Bank Limited, VOF Investment Limited,…