Trong khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) và Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) tỏ ra quyết tâm chưa xoay trục chính sách, thì các nhà đầu tư lại đặt cược rằng họ sẽ theo chân Fed trong việc ra tín hiệu cắt giảm lãi suất vào năm 2024.
Nathan Sheets, cựu quan chức Bộ Tài chính Mỹ cho biết: “Về nguyên tắc, các ngân hàng trung ương lớn có thể đi chệch khỏi đường hướng của Fed nhưng thực tế từ xưa đã chứng minh sẽ rất khó để làm như vậy trong một thời gian dài. Nếu Fed chuyển sang ôn hòa hơn thì các ngân hàng trung ương lớn cũng khó có thể giữ thái độ diều hâu như trước đây”.
Gia tăng áp lực
Quyết định của Fed trong cuộc họp cuối năm khiến cổ phiếu và trái phiếu tăng mạnh. Theo một người tham gia vào cuộc thảo luận, sự ôn hòa trong những bình luận của ông Powell đã khiến nhiều thành viên của hội đồng quản trị ECB “không kịp trở tay”. Người này cho biết: “Điều đó thật đáng ngạc nhiên đối với nhiều người trong chúng tôi”, đồng thời nói thêm rằng sự xoay trục của Fed có thể làm chậm tốc độ giảm lạm phát. “Nó khiến cuộc sống trở nên khó khăn hơn”, người này nói thêm.
Trước cuộc họp chính sách cuối cùng trong năm, ngân hàng trung ương Mỹ được cho là sẽ giữ vững thông điệp lâu nay của mình – thảo luận về việc cắt giảm lãi suất là quá sớm do triển vọng kinh tế không chắc chắn.
Điều đó đã thay đổi khi ông Powell thật sự đã phát tín hiệu rằng ông có thể xem xét cắt giảm lãi suất vào năm tới vì Fed đã siết chặt nền kinh tế lớn nhất thế giới đủ để đưa lạm phát trở lại mục tiêu 2%.
Hầu hết các nhà hoạch định chính sách của Fed đều đưa ra mức cắt giảm 0,75 điểm phần trăm vào năm 2024 và một điểm phần trăm vào năm 2025 để phản ánh kỳ vọng lạm phát sẽ giảm mạnh hơn trong hai năm tới.
Sau khi công bố quyết định lãi suất của mình, cả ECB và BoE nói rõ họ gần như không tự tin rằng lạm phát dai dẳng đã bị chế ngự. Cả hai ngân hàng trung ương đều nói họ muốn có thêm bằng chứng về việc thị trường việc làm hạ nhiệt và giảm bớt áp lực giá cả trước khi xem xét thay đổi chính sách.
BoE đặc biệt lo lắng về lạm phát, ngay cả khi họ dự đoán tăng trưởng sẽ không thay đổi trong quý 4, đồng thời nhấn mạnh rằng Anh đang phải đối mặt với mức lạm phát dịch vụ và tiền lương cao hơn Mỹ và khu vực đồng euro. Với rủi ro lạm phát “tăng lên”, Ủy ban Chính sách tiền tệ vẫn sẵn sàng nâng lãi suất hơn nữa.
Chủ tịch Christine Lagarde đã né tránh các câu hỏi về việc bao lâu nữa ECB sẽ nới lỏng chính sách. Sau quyết định giữ nguyên lãi suất mới nhất của ECB, thị trường vẫn kỳ vọng sẽ có khoảng sáu lần cắt giảm lãi suất 0,25 điểm phần trăm cho cả Fed và ECB vào năm tới, và ít nhất 4 lần từ BoE.
Nếu Fed bắt đầu cắt giảm lãi suất, điều đó sẽ làm tăng áp lực buộc các cơ quan ấn định lãi suất của ECB phải làm theo. Mặt khác, sự phục hồi liên tục của thị trường trái phiếu trong bối cảnh Fed cắt giảm lãi suất sẽ nới lỏng các điều kiện tài chính, thúc đẩy tăng trưởng và giá cả của khu vực đồng euro, đồng thời khiến lạm phát dai dẳng hơn.
Không phát tín hiệu cắt giảm lãi suất
Trong khi nhiệm vụ của Fed bao gồm cả lạm phát và việc làm, ECB chỉ tập trung vào ổn định giá cả, khiến họ mất ít thời gian hơn để cắt giảm lãi suất và hỗ trợ nền kinh tế. Martin Wolburg, nhà kinh tế cấp cao tại Generali Investments, cho biết ông kỳ vọng ECB sẽ thật thận trọng trong việc cắt giảm lãi suất.
Họ đang chờ xác nhận thêm về việc lạm phát đang hạ nhiệt, để xem liệu có bất kỳ rủi ro tăng giá nào mà họ đã xác định có thể thành hiện thực hay không và quan trọng nhất là xem liệu các thỏa thuận về tiền lương có quá mạnh hay không”, Wolburg nói. “Đối với tôi, có vẻ như phần lớn hội đồng quản trị muốn đợi đến giữa năm sau.”
Chủ tịch Lagarde nói với các phóng viên rằng quyết định sẽ “phụ thuộc vào dữ liệu, không phụ thuộc vào thời gian”, phản ánh về việc họ không đưa ra bất kỳ tín hiệu nào về thời điểm tiềm năng để cắt giảm lãi suất.
Tham khảo FT