Doanh nghiệp luẩn quẩn trong khó khăn
Ông Thân Đức Việt – Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10 chia sẻ, đơn hàng sụt giảm 20-30% so với cùng kỳ khiến công ty không có nhu cầu vay vốn dù lãi vay đã giảm mạnh. Khi nào thị trường hồi phục trở lại, nhiều đơn hàng mở ra thì khi ấy doanh nghiệp mới tăng nhu cầu vay vốn ngân hàng.
Còn ông Phạm Văn Việt – Tổng Giám đốc công ty TNHH Việt thắng Jeans (VitaJean) cho biết, do thị trường xuất khẩu lớn của VitaJean là ở các nước châu Âu (EU), trong khi khu vực này lạm phát tăng cao, thị trường sụt giảm mạnh,… khiến đơn hàng xuất khẩu của công ty những tháng qua bị ảnh hưởng nặng hơn các doanh nghiệp (DN) dệt may khác.
Trong khi đó, ông Lê Tiến Trường – Chủ tịch Tập đoàn Dệt may Việt Nam phân tích: Chúng tôi nhận thấy việc sụt giảm sâu kim ngạch xuất khẩu dệt may không phải do năng lực cạnh tranh của DN, bởi năm 2020, DN vẫn cạnh tranh tốt, sản xuất, năng suất, chất lượng tốt và phục vụ khách hàng tốt. Hạ tầng công nghệ của Việt Nam cũng ở mức khá, ngành may và sợi được đánh giá tốt, riêng ngành dệt, nhuộm ở mức trung bình. Rõ ràng, mức suy giảm này ảnh hưởng chủ yếu bởi các yếu tố vĩ mô.
Theo ông Trường, trong tất cả các quốc gia xuất khẩu dệt may, tỷ giá đồng Việt Nam giảm ít nhất trong 12 tháng qua. Tính từ tháng 5/2022 – 5/2023 tỷ giá đồng Việt Nam giảm khoảng 1,6%, trong khi đó, 2 quốc gia lớn cạnh tranh trực tiếp là đồng Taka của Bangladesh giảm 20%, Thổ Nhĩ Kỳ – nhà cung cấp lớn cho toàn bộ thị trường châu Âu, giảm 21%.
Bên cạnh đó, về vốn vay, dù có nhiều đợt giảm nhưng vốn vay bình quân của DN vào khoảng 9,3%. DN nhỏ nếu vay đầu tư dài hạn lên tới 14-15%, vay ngắn hạn cũng rất cao. Khoảng chênh lệch về lãi suất so với một số nước lên tới 5%. Như vậy, riêng 2 yếu tố vĩ mô về tỷ giá và lãi suất khiến hàng hóa Việt Nam đắt hơn hàng hóa thế giới khoảng 25%.
Liên quan đến thương mại quốc tế, tính chung 6 tháng đầu năm 2023, Việt Nam duy trì thặng dư thương mại 12,25 tỷ USD. Tuy nhiên, kim ngạch xuất khẩu và nhập khẩu đều giảm mạnh so với cùng kỳ, lần lượt giảm 12,1% và 18,2% do nhu cầu từ các thị trường chính của Việt Nam như Hoa Kỳ, ASEAN, EU và một số quốc gia Đông Á đều giảm.
Lượng xuất khẩu tới thị trường Hoa Kỳ giảm mạnh nhất với mức 22,6%, lượng nhập khẩu từ Hàn Quốc chứng kiến mức giảm 25,6% – lớn nhất trong các thị trường chính. Điều này cũng khiến cho sản lượng một số sản phẩm công nghiệp chủ yếu của Việt Nam giảm mạnh so với cùng kỳ. Cũng trong 6 tháng đầu năm, tín dụng nền kinh tế chỉ tăng 3,13%, trong khi cùng kỳ năm trước tăng 8,51%.
Hỗ trợ đầu ra cho doanh nghiệp
Theo phân tích của các chuyên gia kinh tế, những khó khăn khó lường của nền kinh tế thế giới cùng sự sụt giảm tổng cầu đã khiến mục tiêu tăng trưởng 6,5% trong năm 2023 của Việt Nam trở nên rất khó khăn. Nền kinh tế Việt Nam có độ mở lớn, tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu luôn cao hơn tiêu dùng nội địa khiến nền kinh tế ngày một phụ thuộc hơn vào thị trường toàn cầu, nên các DN dễ bị “tổn thương” hơn. Với không ít DN hiện nay, nhu cầu về đơn hàng, về đầu ra của sản phẩm đang cần thiết và cấp bách hơn bao giờ hết.
Theo chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh, kích thích tổng cầu là một trong những giải pháp giúp cho các đơn hàng của DN tăng trở lại. Nếu cầu xuất khẩu thấp thì nên quay trở lại kích thích tiêu dùng nội địa. Hiện Chính phủ và các cơ quan chức năng đã và đang thực hiện nhiều giải pháp như giảm thuế giá trị gia tăng, giảm lệ phí trước bạ… Tuy nhiên, các giải pháp kích cầu nội địa cần thực hiện trên một số nguyên tắc như đúng đối tượng, phải tập trung vào tiêu dùng hàng hóa sản xuất trong nước… Ngoài ra, Chính phủ, Quốc hội có thể cân nhắc biện pháp nâng mức giảm trừ gia cảnh đối với thuế thu nhập cá nhân…
Nhiều chuyên gia cho biết, về xuất khẩu, lượng đơn hàng còn phụ thuộc vào tình hình thị trường và nhu cầu thế giới. Kinh tế còn khó khăn thì không thể mong chờ cầu xuất khẩu tăng mạnh trở lại. Tuy nhiên, các DN vẫn cần được hỗ trợ bằng nhiều giải pháp về xúc tiến thương mại, giúp tiếp cận các thị trường mới… Ngoài ra, Nhà nước có thể hỗ trợ DN bằng tỷ giá hối đoái, tăng sức cạnh tranh của hàng nội địa trong nước bằng cách làm cho tỷ giá đồng tiền mất giá ở mức hợp lý.
Nêu giải pháp, PGS Nguyễn Đức Trung – Hiệu trưởng Trường Đại học Ngân hàng TPHCM cho rằng, để tăng trưởng mức 8-9% trong 2 quý còn lại của năm, cần có những giải pháp đột phá hỗ trợ nền kinh tế. Trong đó, cần khơi thông những nguồn lực, thúc đẩy đầu tư tư nhân vào những lĩnh vực quan trọng của nền kinh tế. Phải đảm bảo ổn định hệ thống ngân hàng, vấn đề nợ xấu. Bên cạnh đí là lãi suất phải phù hợp với rủi ro của DN vay vốn. Ngoại trừ những trường hợp những lĩnh vực ưu tiên như xuất khẩu hay với DN nhỏ và vừa sử dụng công nghệ cao, còn lại là phải chấp nhận đó là thị trường. Một vấn đề quan trọng hơn là phải ổn định được tỷ giá. Thời điểm này ổn định tỷ giá là rất quan trọng để tránh nhập khẩu lạm phát và tạo ra một nền tảng vĩ mô ổn định.
Giới chuyên gia cho rằng cần cấu trúc lại tổng cầu của nền kinh tế và từ đó tái cấu trúc hoạt động sản xuất kinh doanh. Chú trọng hơn tới thị trường trong nước, phát triển năng lực của doanh nghiệp trong việc cung ứng hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng trong nước, không để mất thị phần về hàng hóa, dịch vụ ngay trên “sân nhà”.