2Baa7121F6 Jpeg

Đông y chữa chứng khó tiêu



Chứng tỳ vị dương hư còn gọi là chứng trung tiêu dương hư hoặc chứng tỳ vị hàn. Do trung tiêu hư hàn mất đi chức năng thu nạp vận hóa nên đồ ăn thức uống không tiêu…

Chứng tỳ vị dương hư còn gọi là chứng trung tiêu dương hư hoặc chứng tỳ vị hàn. Do trung tiêu hư hàn mất đi chức năng thu nạp vận hóa nên đồ ăn thức uống không tiêu, thủy thấp ứ đọng lại ở bên trong. Dương khí không sưởi ấm tạng phủ và tay chân. Nguyên nhân chủ yếu phần nhiều do ăn quá mức độ, ăn nhiều thức ăn sống lạnh hoặc do ốm đau lâu ngày không được chăm sóc chu đáo, hoặc do thận dương hư, tỳ không được sưởi ấm mà sinh bệnh. Chứng này thường gặp ở người cao tuổi, kể cả nam và nữ. Dưới đây là những bài thuốc điều trị chứng bệnh trên tùy theo từng thể để bạn đọc tham khảo và áp dụng:

Tỳ vị dương hư sinh chứng hư lao.

Triệu chứng: Bệnh nhân ăn uống kém, sắc mặt úa vàng, mỏi mệt, cơ thể hay ớn lạnh, sôi bụng, đại tiện thường xuyên đi lỏng, lưỡi trắng, mạch vi tế. Bài thuốc: nhân sâm 12g; phụ tử chế 8g; bạch truật 12g; can khương 12g; cam thảo 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, sau ăn.

Đông Y Chữa Chứng Khó Tiêu 1

Do tỳ vị dương hư sinh chứng đau bụng, đau vị quản.

Triệu chứng: Bệnh nhân đau bụng liên miên. Thích ấm, ưa xoa bóp, lúc đói hoặc mệt nhọc thì đau tăng lên, khi ăn vào hoặc được nghỉ ngơi thì giảm đau, đại tiện lỏng. Nếu đau vị quản thì ăn uống tiêu hóa chậm, nôn ra nước trong, tay chân lạnh. Bài thuốc: hoàng kỳ 16g; đường mạch nha 40g; đại táo 12g; quế chi 12g; bạch thược 12g; sinh khương 12g; cam thảo 6g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày sau ăn.

Tỳ vị dương hư sinh chứng ách nghịch.

Triệu chứng: Bệnh nhân thường hay bị nấc, đoản hơi, mặt trắng xanh, tay chân lạnh. Bài thuốc: nhân sâm 12g; bạch truật 12g; can khương 12g; cam thảo 12g. Gia đinh hương 6g; ngô thù du 8g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau ăn.

Tỳ vị dương hư sinh chứng nôn mửa.

Triệu chứng: Ăn uống không điều độ, mệt nhọc, chóng mặt buồn nôn. Bài thuốc: nhân sâm 12g; phục linh 8g; bạch truật 12g; trần bì 8g; cam thảo 4g; bán hạ 8g. Gia chỉ xác 6g, trúc nhự 12g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, sau ăn 15 phút.

Tỳ vị dương hư sinh chứng phản vị (trào ngược).

Triệu chứng: Bệnh nhân ăn xong thì nôn ra, có khi đang ăn mà nôn ra hoặc sáng ăn thì trưa nôn ra, trưa ăn thì tối nôn ra. Chất nôn ra là thức ăn chưa tiêu hóa. Bài thuốc: nhân sâm 12g; can khương 12g; bạch truật 12g; cam thảo 12g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống lúc đói hoặc trước khi ăn.

Tỳ vị hư sinh tiết tả.

Triệu chứng: Bệnh nhân đau bụng, sôi bụng, đại tiện nhiều lần trong ngày, phân có nhiều thức ăn chưa tiêu hóa. Bài thuốc: phụ tử 8g; nhục quế 8g. Sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

Tỳ vị dương hư sinh chứng thủy thũng.

Triệu chứng: Bệnh nhân tay chân, có khi cả toàn thân bị phù thũng, sức khỏe yếu, hay mệt mỏi, nước tiểu ít mà đỏ. Bài thuốc: phụ tử chế, bào khương, phục linh, mộc qua, sinh khương, đại phúc tử, đại táo đều 12g; bạch truật 16g; hậu phác, thảo quả nhân, mộc hương mỗi vị 8g; cam thảo 4g. Ngày uống một thang sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn, khi thuốc còn ấm.

Tỳ vị dương hư đại tiện ra huyết.

Triệu chứng: Bệnh nhân đại tiện ra huyết có màu sẫm hoặc phân đen, bụng đau âm ỉ, mặt trắng nhợt, người mệt mỏi, tay chân lạnh. Bài thuốc: a giao, hoàng cầm, sinh địa, bạch truật, cam thảo, phụ tử chế mỗi vị 12g; táo tâm hoàng thổ (đất lòng bếp) 50g. Ngày uống một thang, sắc uống 3 lần trong ngày, uống sau khi ăn.

Theo Suckhoedoisong

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *