Báo cáo tài chính quý II cho thấy, lượng tiền gửi Kho bạc Nhà nước (KBNN) tại BIDV, Vietcombank và VietinBank ở thời điểm 30/6/2023 đã giảm rất mạnh so với cuối quý I và hồi đầu năm.
Cụ thể, BIDV chỉ còn nhận 39.600 đồng tiền gửi của KBNN, gồm gần 38.000 tỷ tiền gửi có kỳ hạn và hơn 1.600 tỷ tiền gửi không kỳ hạn. So với cuối quý I và cuối năm 2022, lượng tiền gửi KBNN tại BIDV đã giảm lần lượt 71.600 tỷ và 101.200 tỷ.
Tương tự, số dư tiền gửi của KBNN tại VietinBank cũng giảm 94.500 tỷ so với cuối quý I và 98.500 tỷ so với cuối năm 2022, về còn hơn 4.500 tỷ đồng.
Với Vietcombank, tiền gửi KBNN tại thời điểm 30/6 chỉ còn chưa đầy 1.200 tỷ đồng, giảm hơn 34.800 tỷ so với cuối quý I và giảm 48.300 tỷ so với thời điểm 31/12/2022.
Tính chung, đến cuối tháng 6, lượng tiền gửi KBNN tại 3 “ông lớn” ngân hàng nêu trên đã giảm gần 201.000 tỷ so với cuối quý I và giảm 248.100 tỷ so với cuối năm 2022. Đây cũng là mức tiền gửi Kho bạc thấp nhất được nhóm Big3 báo cáo trong những năm gần đây.
Dù các con số ghi nhận trong báo cáo tài chính chỉ mang tính thời điểm, nhưng sự sụt giảm nhanh và liên tục qua các kỳ báo cáo vừa qua cho thấy “núi” tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng đã có xu hướng thu hẹp.
Trước đó, tiền gửi KBNN tại các ngân hàng này liên tục duy trì ở mức cao kể từ tháng 6/2022 đến tháng 3/2023, với đỉnh điểm lên tới trên dưới 300.000 tỷ trong giai đoạn cuối năm 2022.
Đáng chú ý, ngoài số tiền gửi tại Vietcombank, VietinBank và BIDV, KBNN còn gửi hàng trăm nghìn tỷ khác tại Ngân hàng Nhà nước (NHNN) dưới dạng tiền gửi không kỳ hạn theo quy định tại Thông tư 58 Bộ Tài chính.
Hồi cuối năm 2022, ông Lưu Hoàng, Cục trưởng Cục Quản lý ngân quỹ, Kho bạc Nhà nước cho biết, cơ quan này có khoảng gần 700 nghìn tỷ đồng được gửi không kỳ hạn tại Ngân hàng Nhà nước với lãi suất 0,8%/năm và gần 270 nghìn tỷ đồng còn lại gửi tại 4 ngân hàng thương mại do nhà nước nắm cổ phần chi phối là Vietinbank, Vietcombank, Agribank và BIDV với kỳ hạn 1-3 tháng, lãi suất trung bình 6%/năm.
Tuy nhiên, đến ngày 1/6, trả lời trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, chính xác ngân quỹ quốc gia (KBNN – PV) đang tồn 1,043 triệu tỷ đồng. Trong đó, cơ quan này đang gửi 895.000 tỷ đồng với lãi suất 0,8%/năm tại Ngân hàng Nhà nước và gửi ngắn hạn tại ngân hàng thương mại là 130.000 tỷ đồng.
Như vậy, theo số liệu được hai lãnh đạo Bộ Tài chính cung cấp, lượng tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng thương mại đã giảm mạnh trong 5 tháng đầu năm 2023 (từ khoảng 270.000 tỷ xuống còn 180.000 tỷ). Trong khi đó, số dư tại NHNN lại tăng từ khoảng 700.000 tỷ lên 895.000 tỷ đồng.
Diễn biến trên cho thấy, một lượng lớn tiền gửi có thể đã được KBNN rút ra khỏi hệ thống ngân hàng và chuyển về gửi tại NHNN.
Bên cạnh nguyên nhân trên, trong những tháng vừa qua, đặc biệt là trong quý 2, giải ngân vốn đầu tư công bắt đầu tăng tốc mạnh. Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công 7 tháng đầu năm ước đạt 37,85% kế hoạch được Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm 2022 (34,47%). Đây cũng được cho là nguyên nhân khiến lượng tiền gửi của KBNN tại các ngân hàng sụt giảm mạnh.
Với quy mô siêu “khủng”, tiền gửi KBNN ở là một nguồn hỗ trợ thanh khoản đáng kể giúp nhóm Big4 giảm áp lực huy động tiền gửi từ khách hàng. Dòng tiền lớn trú ngụ tại Big4 cũng có tác động đáng kể giúp kiềm chế cuộc đua lãi suất huy động trong cuối năm 2022 và đầu năm 2023 khi các ngân hàng này chiếm gần một nửa thị phần trong cơ cấu huy động và cho vay trong hệ thống.
Ngoài ra, Thông tư 26 mới có hiệu lực từ cuối năm 2022, cũng cho phép các ngân hàng được tính một phần tiền gửi có kỳ hạn của Kho bạc Nhà nước vào cấu phần huy động khi tính tỷ lệ LDR. Điều này đã giúp nhóm Big4 có thêm lượng lớn thanh khoản để cho vay thêm, giúp gia tăng khả năng sinh lời.
Với những tác động trên, việc KBNN rút lượng lớn tiền gửi ra khỏi nhóm Big4 trong quý II sẽ tác động không nhỏ tới hoạt động kinh doanh của các ngân hàng này.