Câu chuyện thứ nhất
“1h30 sáng, tôi cúp máy với lý do sóng điện thoại di động không tốt. Đầu bên kia điện thoại là một người bạn tôi không quen lắm, không biết tại sao, gần đây cô ấy luôn gọi điện cho tôi, khóc lóc nói chồng sắp ly hôn. Tôi biết mọi thứ về câu chuyện của họ. Lúc đầu, tôi trả lời điện thoại một cách lịch sự, nhưng sau đó cô ấy gọi cho tôi bất kể thời gian hay dịp nào, và cứ cúp máy ngay cả khi cô ấy khóc, thậm chí cho đến một hoặc hai giờ đêm… hoàn toàn phớt lờ cảm nhận của tôi.
Tôi chợt hiểu tại sao chồng cô ấy lại muốn. Có một điều cô ấy đã nhiều lần nói với tôi đó là: Lúc đầu anh ấy nói không cần đi làm, ở nhà chăm sóc con cái là được, nhưng giờ anh ấy ghét mình vì mình không làm ra tiền và cảm thấy xấu hổ vì vợ mình chẳng có tài cán gì đặc biệt. Chắc chắn ngoài kia phải có ai đó quyến rũ anh ấy nên anh ấy mới không yêu mình nữa!”.
Đây là một mẩu chuyện nhỏ được đăng tải trên mạng xã hội của một người phụ nữ. Bạn cô thường xuyên than vãn với cô về sự thay đổi của người chồng. Một lần, hai lần cô còn lắng nghe, tỏ ra cảm thông và động viên nhưng điều đó không bao giờ đủ với người bạn của cô. Bất kể ngày đêm, người bạn trong câu chuyện kia chỉ biết đến cảm xúc của bản thân và không quan tâm gì đến người nghe đang như thế nào.
Người phụ nữ đã hỏi bạn mình rằng: “Hơn mười năm qua hai vợ chồng cậu không có con, vậy ban ngày cậu làm gì?”. Cô bạn chia sẻ: “Lúc đầu, mình thường đi du lịch và mua sắm. Khi buồn chán thì xem TV và đọc tiểu thuyết. Mấy năm gần đây, mình có thử đầu tư một số thứ trên mạng nhưng không thành công. Vì tụi mình chưa có con, mình lại không đi làm bị hàng xóm bàn tán nhiều nên mình cũng ít đi ra ngoài”.
Người phụ nữ lại hỏi tiếp: “Vậy chồng cậu làm gì trong suốt 10 năm qua?”. “Anh ấy đi làm, thăng chức và thăng tiến rất nhanh, hiện giờ anh ấy là giám đốc ngoại giao, thường xuyên đi công tác, mỗi tuần về một ngày, tiền đủ cho mình tiêu xài thoải mái. Cách đây không lâu mình đã nói rằng muốn có một đứa con, không ngờ anh ấy lại đâm đơn ly hôn”.
***
Hầu hết mọi người thường đánh giá chất lượng hôn nhân của một người phụ nữ không dựa vào việc hai bên có yêu nhau nhiều không, họ có giá trị và nỗ lực chung hay không mà chỉ đơn giản dựa trên việc người chồng có nhiều tiền không, có khả năng mua nhà, mua xe hay không. Và cũng không ít người phụ nữ dựa vào câu nói “Anh ủng hộ em” của đàn ông khi tình yêu đang nồng cháy mà trút bỏ gánh nặng cơm áo gạo tiền, có thể tự do tự tại ở nhà chăm lo tổ ấm.
Nhưng đến khi vỡ mộng họ mới nhận ra rằng, câu nói ấy đầy sự cưng chiều nhưng cũng là độc dược phá hủy người phụ nữ.
Có người phụ nữ nào không muốn tận hưởng cuộc sống dư dả và tiêu tiền thoải mái mà không phải đầu tắt mặt tối hay bán mặt cho đất, bán lưng cho trời? Nhưng vùi mình vào sự che chở của người đàn ông và để các giá trị bản thân hao mòn, đến một ngày tình yêu phai nhạt, tình nghĩa cũng chẳng còn đủ để giữ hai người bên nhau, lúc ấy cảm thấy hoang mang, sợ hãi thì mọi thứ đã muộn.
Tình yêu vốn là sự mãnh liệt của cảm xúc, nhưng một khi thứ mong manh như cảm xúc qua đi làm sao có thể chống lại sự thay đổi trong bản chất con người?
Việc ra ngoài đi làm không chỉ là vấn đề tiền bạc mà quan trọng hơn là sự giao tiếp, tầm nhìn và kinh nghiệm giữa con người với nhau. Dù hai người yêu nhau đến mấy nếu khoảng cách này càng xa nhau thì tình yêu càng giảm.
Câu chuyện thứ hai
Một cô vợ 40 tuổi bị chồng đệ đơn ly hôn khi đứa con thứ 2 mới tròn 3 tuổi. Khi ly hôn, cô không buồn vì sự “bạo lực lạnh” của chồng. Cô kể rằng: “Khi tôi có con, chồng tôi nói rằng anh ấy ủng hộ tôi và cho phép tôi yên tâm ở nhà chăm sóc con. Nhưng theo năm tháng, chồng tôi ngày càng tốt hơn. Tôi chỉ có thể nói chuyện với anh ấy về việc hôm nay đứa trẻ có ị hay nôn mửa hay không. Đôi khi bản thân tôi cảm thấy mình không còn gì để nói. Đừng nói chồng tôi không thể sống với cuộc sống như vậy, tôi cũng không thể sống với một người cả ngày chỉ quanh quẩn vài ba câu chuyện như thế.
Trong thời gian 4 tháng nghỉ thai sản sau khi sinh con đầu lòng, tôi dồn hết tâm tư vào con. Khi mở vòng kết nối bạn bè, đồng nghiệp, mọi người đến thăm đứa trẻ. Khi chúng tôi ngồi ăn bánh và uống trà, tôi nhận ra rằng mình không thể nói được lời nào. Thế giới bên ngoài đã thay đổi quá nhiều đến nỗi tôi không thể theo kịp”.
Tất nhiên, người đàn ông trong câu chuyện này khá là tệ bạc theo góc nhìn của phần lớn phụ nữ trong việc đòi ly hôn. Nhưng điều quan trọng, phụ nữ chúng ta cần làm gì trước những lời “độc dược” mang dáng hình của sự bảo chứng của đàn ông?
***
Làm vợ, làm mẹ luôn là thiên chức cao cả của người phụ nữ. Rất nhiều người vì lựa chọn thiên chức ấy mà hy sinh chính mình, dành trọn tâm sức để vun vén tổ ấm. Đứa trẻ mới ra đời đến vài năm đầu đời, khi có mẹ ở bên cạnh chăm sóc sẽ tuyệt vời biết bao.
Nhưng nếu vì thiên chức ấy mà phụ nữ “bỏ rơi” chính mình, không để bản thân tiến bộ hơn, không tạo ra giá trị của riêng mình thì đến cuối cùng, không phải lúc nào cũng là một gia đình hạnh phúc đặt vào trong tay.
Nếu người phụ nữ không đi làm, không có công việc của riêng mình, dù ít dù nhiều khống kiếm ra tiền thì vấn đề không phải cơ thể mệt mỏi nữa mà chính là tinh thần sẽ sớm suy sụp. Bởi vì khi ấy, người chồng sẽ là điểm tựa duy nhất còn lại trong thế giới của người phụ nữ. Nhưng nếu lỡ người chồng chỉ trừng mắt nhìn thôi cũng sẽ cảm giác như bầu trời sụp đổ nữa là ngoại tình hoặc ly hôn.
Phụ nữ là điển hình của phái yếu giàu cảm xúc, họ rất dễ mắc kẹt trong những lời nói ngọt ngào của bạn đời và tin vào lời thề nào đó hàng chục năm. Khi họ nhốt mình trong bốn bức tường nhiều năm, họ không biết rằng thế giới bên ngoài kia đã bị đảo lộn và những người xung quanh có thể cũng đã thay đổi.
Thực ra, không phải đối phương thay đổi mà chính người phụ nữ lựa chọn an yên làm vợ toàn thời gian cũng đã thay đổi. Từ ngày trẻ đến khi già nua, chúng ta đều ở trong một quá trình phát triển và tiến bộ. Chỉ cần một trong hai dừng lại sẽ sinh ra khoảng cách, mà đôi khi dù tình yêu nhiều đến mấy cũng không thể bù đắp lại được khoảng cách đó. Cho nên, trước bốn chữ “Anh ủng hộ em”, phụ nữ cũng nên tỉnh táo để không rơi vào vòng xoáy hủy hoại chính mình.