Một người phụ nữ với tên viết tắt là CG chia sẻ với Market Watch rằng chị kiếm được 75.000 USD/năm và có 2 con đang chuẩn bị vào đại học. Chị cho biết, mình đã tiết kiệm được một khoản tiền nhưng vẫn muốn nhận hỗ trợ tài chính từ chính phủ.
Tuy nhiên, vấn đề là, mẹ chị vừa qua đời và để lại cho chị hơn 250.000 USD. Số tiền này sẽ được gửi đến tài khoản của chị ngay khi đang hoàn thiện đơn xin trợ cấp tiền học (FAFSA) cho người con lớn vào mùa thu. Điều phức tạp hơn là chị và chồng đã ly hôn, chị có phần lớn quyền nuôi con và phải thanh toán hầu hết các hoá đơn.
Đáng lẽ ra, CG phải cảm thấy may mắn khi được thừa kế một số tiền khá lớn như vậy. Song, chị lại không hài lòng vì con chị khó có thể đủ điều kiện nộp đơn FAFSA vì học đại học cực kỳ tốn kém.
Chị không biết phải giấu số tiền này đi đâu để không phải sử dụng nó đóng học phí cho con. CG nói rằng chị muốn dành một chút trong số đó để trả nợ thế chấp và tiết kiệm để nghỉ hưu.
Theo Beth V. Walker, cố vấn tài chính, tình huống này xảy ra ở rất nhiều gia đình. Khoản thừa kế đôi khi tạo ra nhiều vấn đề phức tạp. Trước đây, Walker đã tư vấn cho một trường hợp khác, người cha mất ngay trước khi con gái vào đại học và cô nhận được khoản bảo hiểm nhân thọ là 350.000 USD. Cô gái này đột nhiên phải thanh toán toàn bộ tiền học phí cho 1 năm học.
Ở trường hợp của CG, Walker cho biết chị sẽ có một vài lựa chọn.
Tiêu khoản tiền được thừa kế
Lựa chọn đầu tiên CG nên xem xét là chi tiêu số tiền thừa kế trước khi các gói hỗ trợ tài chính hết hạn. Paul Sydlandsky, một nhà hoạch định kế hoạch tài chính, cho biết: “Giả sử, bạn có một khoản vay mua ô tô, một khoản vay thế chấp, hãy thanh toán toàn bộ các khoản nợ đó bằng tiền thừa kế. Hoặc bạn cũng có thể chi tiêu cho kế hoạch tốn kém khác, như một kỳ nghỉ hay sửa sang nhà cửa.”
Tuy nhiên, Sydlandsky cho biết CG không cần phải tiêu toàn bộ số tiền đó. Gói hỗ trợ tài chính chủ yếu xem xét thu nhập của phụ huynh, nếu con số này không biến động (dù có khoản thừa kế), thì phần lớn học phí của con chị sẽ được cân nhắc dựa theo đó. Các trường đại học ở Mỹ thường đánh giá các khoản tiết kiếm và đầu tư của phụ huynh ở mức 5,6%, tức là nếu chị có 250.000 USD tiền tiết kiệm, họ sẽ muốn chị sử dụng khoảng 14.000 USD trong số đó để trả học phí mỗi năm. Khi đã ly hôn, FAFSA chỉ tính thu nhập và tài sản của cha hoặc mẹ – người chi trả phần lớn chi phí học đại học cho con.
Vì thế, khoản thừa kế này không hoàn toàn là một tin xấu với CG. Theo cố vấn tài chính, chị có thể viết một bức thư cho văn phòng hỗ trợ tài chính để giải thích rằng khoản tiết kiệm của chị có một phần là tài sản thừa kế một lần và tình hình tài chính tổng thể không có gì thay đổi.
Cân nhắc những trường đại học khác
Walker và Sydlansky cho biết nếu CG không nhận được khoản hỗ trợ như mong muốn, chị có thể tìm những trường đại học khác có học phí thấp hơn dựa trên thành tích học tập của con. Đây là những trường hợp mà Walker và Sydlansky thường tư vấn, vì khách hàng của họ thường có thu nhập cao nhưng vẫn muốn tìm các trường đại học có học phí khoảng 80.000 USD/năm.
CG có thể nghiên cứu kỹ hơn, sử dụng các công cụ ước tính hỗ trợ sinh viên liên bang để xem các trường chấp nhận FAFSA sẽ tính học phí như thế nào với trường hợp của mình. Ngoài ra, chị cũng nên liên hệ trực tiếp đến văn phòng hỗ trợ tài chính và xem có loại học bổng nào khác không quá khắt khe với tình hình tài chính của chị.
Nếu không thấy lựa chọn nào hợp lý, chuyên gia khuyên CG nên đầu tư tiền thừa kế vào tài khoản hưu trí và mua bảo hiểm.
Tham khảo Market Watch