Tin từ Cục Hàng không Việt Nam, cơ quan này cho biết thời gian qua đã có ý kiến của hành khách phản ánh về việc mặc dù trong giai đoạn thấp điểm nhưng giá vé máy bay tại hầu hết đường bay nội địa đang ở mức khá cao, gây khó khăn cho việc đi lại của người dân cũng như kích cầu du lịch.
Theo Cục Hàng không Việt Nam, giá vé máy bay (cả quốc tế và nội địa) hiện nay đều được thực hiện theo cơ chế giá vé linh hoạt với nhiều dải giá tùy tình hình thị trường (cung-cầu), điều kiện vé, thời điểm xuất vé…
Đối với các đường bay nội địa, để bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng, Bộ Giao thông vận tải (GTVT) đã có Thông tư về khung giá vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa và mới đây là Thông tư ngày 30/11/2023 ban hành khung giá dịch vụ vận chuyển hành khách trên các đường bay nội địa.
Hiện tại, các hãng hàng không Việt Nam đều xây dựng sản phẩm và giá vé máy bay nội địa phù hợp với nhu cầu của hành khách và nằm trong khung giá quy định tại các Thông tư nêu trên.
Đặc biệt, Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, so sánh giá vé máy bay nội địa với các hãng trong khu vực thì mức giá vé tính theo km tại thị trường nội địa Việt Nam theo khung giá quy định hiện tại vẫn khá thấp so với các nước trong khu vực và thế giới.
“Như chặng Hà Nội – TP Hồ Chí Minh mức giá/km cao nhất quy định chỉ khoảng 0,11USD/km; trong khi chặng bay Bangkok đi Chiangmai mức giá/km cao nhất của Thai Airways là 0,22 USD/km (cao gấp 2 lần so với Việt Nam); chặng bay Bắc Kinh – Thượng Hải của Air China là 0,27 USD/km; chặng bay Pusan- Jeju của Asiana Airlines ở mức 0,32 USD/km…”, Cục Hàng không lấy ví dụ.
Thêm vào đó, Cục Hàng không cũng lý giải, giá vé máy bay đi lại cũng phụ thuộc vào quy luật cung/cầu. Nhu cầu đi lại của người dân giai đoạn Tết thường tăng cao và dồn vào những ngày bay và khung giờ bay đẹp.
“Vào những ngày rất cao điểm, vào các khung giờ bay đẹp thường có nhu cầu cao và hết chỗ sớm hơn so các ngày cận cao điểm hoặc trên chuyến bay khung giờ sáng sớm chiều muộn hơn và giá vé đương nhiên cũng sẽ cao hơn”, đại diện Cục Hàng không thông tin.
Đồng thời, thực tế vận chuyển hàng không trong giai đoạn Tết luôn có tính chất đặc thù, chỉ đông khách một chiều, chiều còn lại ít khách hoặc thậm chí không có khách, bởi vậy, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, giá vé áp dụng vào thời điểm này cũng phần nào giúp các hãng hàng không lấy chi phí thu một chiều, bù đắp cho chặng bay cả hai chiều nhưng vẫn không cao hơn giá trần quy định.
Như thường lệ, các đường bay có nhu cầu lớn trong giai đoạn Tết Nguyên đán 2024 là các đường bay từ TP Hồ Chí Minh đi các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc.
Theo Cục Hàng không, mặt bằng giá vé Tết Nguyên đán 2024 tương đương năm 2023 (Ảnh: TTXVN)
Mặt bằng giá vé Tết Nguyên đán 2024 tương đương năm 2023
Mặc dù các hãng hàng không Việt Nam cũng như các hãng trên thế giới đang phải đối mặt với việc tăng chi phí khai thác (giá nhiên liệu tăng, tỷ giá hối đoái biến động), tuy nhiên, Cục Hàng không Việt Nam dự kiến, mặt bằng giá vé Tết Nguyên đán 2024 cũng chỉ tương đương năm 2023.
Nhận định này được Cục Hàng không đưa ra với giả định tỷ trọng chi phí nhiên liệu chiếm 39,5% tổng chi phí, các yếu tố chi phí khác không biến động thì biến động giá Jet A1 và tỷ giá USD/VND hiện nay, chi phí nhiên liệu tháng 6/2023 của các hãng hàng không tăng 23,14% so với tháng 9/2015; tác động của giá nhiên liệu làm tổng chi phí tăng 10,92% so với tháng 8/2015.
Theo thống kê từ các hãng hàng không, đến thời điểm hiện tại, tỷ lệ đặt chỗ trên các đường bay từ TPHCM đi các tỉnh, thành phố khu vực phía bắc giai đoạn Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (chiều đi) đã đạt khoảng 50% số chỗ, trong khi chiều ngược lại mới chỉ đạt khoảng 10%.
Để giá vé máy bay duy trì ở mức hợp lý, phù hợp với nhu cầu của hành khách, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán, Cục Hàng không Việt Nam đã chỉ đạo các hãng hàng không tăng nguồn cung; theo dõi tình hình bán vé, đặt chỗ dịp Tết Nguyên đán để có giải pháp bổ sung tải cung ứng vào các đường bay có nhu cầu cao, đáp ứng nhu cầu của hành khách.
Bên cạnh đó, Cục cũng khuyến khích các hãng hàng không hỗ trợ và bảo đảm lực lượng vận tải và tăng năng lực khai thác (tìm kiếm các tàu bay thuê ngắn hạn, kéo dài thời gian khai thác hằng ngày của đội máy bay, tăng cường khai thác các chuyến bay vào ban đêm). Đồng thời, điều chỉnh tham số điều phối (slot) tại Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài và Tân Sơn Nhất giai đoạn cao điểm Tết Nguyên đán (31 ngày) để phục vụ tối đa hoạt động di chuyển của người dân.
Ngày 30/11 vừa qua, Bộ GTVT ban hành Thông tư số 34/2023/TT-BGTVT sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 17/2019/TT-BGTVT, đến ngày 1/3/2024, sẽ tăng trần giá vé máy bay nội địa, giá vé máy bay hạng phổ thông trên 4 nhóm đường bay nội địa sẽ tăng từ 2,27% đến 6,67%, tăng trung bình 3,75% (bằng mức giá trần của năm 2014).
Theo đó, nhóm đường bay có khoảng cách dưới 500 km giữ nguyên mức giá trần 1,6 triệu đồng/vé một chiều với đường bay phát triển kinh tế-xã hội và 1,7 triệu đồng/vé một chiều với nhóm đường bay khác dưới 500 km như hiện nay.
Bốn nhóm đường bay còn lại, giá vé phổ thông (1 chiều) có mức tăng từ 50 đến 250 nghìn đồng/vé tùy theo độ dài từng đường bay. Mức giá tối đa này đã bao gồm toàn bộ chi phí hành khách phải trả cho 1 vé máy bay, trừ các khoản: thuế giá trị gia tăng; các khoản thu hộ cho cảng hàng không (gồm giá phục vụ hành khách và giá bảo đảm an ninh hành khách, hành lý); khoản giá dịch vụ với các hạng mục tăng thêm.
Cụ thể, với đường bay có khoảng cách từ 500 km đến dưới 850 km, mức giá trần (1 chiều) là 2,25 triệu đồng/vé; đường bay từ 850 km đến dưới 1.000 km, giá trần là 2,89 triệu đồng/vé; đường bay từ 1.000 km đến dưới 1.280 km, giá trần là 3,4 triệu đồng/vé và đường bay từ 1.280 km trở lên là 4 triệu đồng/vé. Mức tăng giá trần vé máy bay nội địa trung bình 3,75% so với hiện hành được đánh giá là phù hợp.