Theo ông Lê Đình Chi, Trưởng phòng nhân sự Công ty CP dược phẩm An Thiên (KCN Hiệp Phước, huyện Nhà Bè), người lao động nào cũng hiểu nếu họ rút BHXH một lần thì cơ hội tiếp cận lương hưu rất khó. Khi về già, nếu con cháu không có điều kiện phụng dưỡng, họ vẫn phải cơ cực kiếm sống. Tuy nhiên, họ chấp nhận đánh đổi. Lý giải vấn đề này, ông Chi cho rằng công nhân trực tiếp sản xuất làm các công việc giản đơn hiện nay rất khó có cơ hội thăng tiến.
Vì vậy, dù làm lâu năm nhưng thu nhập cải thiện không đáng kể, lãnh lương ra lập tức bị chia 5 xẻ 7, phần thì nhà trọ, điện, nước, phần thì ăn uống rồi học phí cho con… gần như không còn khoản nào phòng thân. Vì vậy nếu bị mất việc mà gặp sự cố, họ nghĩ ngay đến việc rút BHXH một lần vì thực tế nếu không rút họ sẽ phải vay mượn rồi lại mẹ đẻ lãi con. Cứ sống trong vòng luẩn quẩn tuổi hưu chưa tới, tuổi nghề đã hết, tiền lương vừa lãnh ra đã không còn thì công nhân khó có thể nghĩ tới tuổi già và lương hưu.
Từ lý do trên, ông Chi cho rằng thay vì ngồi bàn thảo cách nào hạn chế rút BHXH một lần thì cần tìm cách giải quyết các vấn đề căn cơ của người lao động. Đó là giải quyết vấn đề nhà ở cho người thu nhập thấp, là chính sách đặc biệt dành cho con em công nhân như miễn học phí (trong hệ thống trường công lập đối với bậc THCS và tiến tới là bậc THPT), nhất là cải cách chính sách tiền lương và việc làm bền vững.
“Nhiều người nghỉ để rút BHXH một lần vì họ cảm thấy bất an về việc làm, nhất là trong giai đoạn hiện nay, không biết khi nào mình mất đi công việc. Tại An Thiên, điều này ít xảy ra, một phần do hầu hết họ đều là lao động có trình độ, có thu nhập khá cùng cơ hội thăng tiến. Mặt khác, dù là doanh nghiệp ngoài nhà nước nhưng công ty áp dụng thời gian làm việc 44 giờ/tuần và rất hạn chế tăng ca nên người lao động có thời gian chăm sóc gia đình và bản thân. Vì vậy, rất ít trường hợp người lao động đánh đổi công việc ổn định để nhận “một cục”” – ông nói.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Tịnh, Chủ tịch Công đoàn Công ty TNHH may thêu Thuận Phương (quận 6, TP HCM) cũng nhìn nhận doanh nghiệp lo lắng sẽ bị biến động lao động do sắp có thay đổi về chính sách BHXH một lần.Ttuy nhiên, điều đó không xảy ra trong những tháng qua. Ông phân tích, năm 2023, do nhiều doanh nghiệp gặp khó, tìm việc có thu nhập ổn định cũng không dễ dàng. Trong khi đó, công ty vẫn đảm bảo lương, thưởng cho mọi người. Dù ít tăng ca nhưng thu nhập bình quân của người lao động cũng đạt từ 8-10 triệu đồng/tháng.
“Thực ra công nhân họ cũng có so sánh thiệt hơn giữa nghỉ việc để rút BHXH một lần hay tiếp tục đi làm để có thu nhập hằng tháng. Vì vậy, nếu doanh nghiệp trả công xứng đáng thì họ sẽ quý trọng công việc, không nghĩ đến nghỉ việc ngang để rút BHXH một lần. Còn đối với các trường hợp bị mất việc rơi vào khó khăn, tôi nghĩ việc họ rút BHXH một lần là dễ hiểu” – ông Tịnh cho hay.
Anh Nguyễn Thành Nam, quản lý tại công ty giày da lớn tại tỉnh Đồng Nai cho biết từ một năm trước, anh đã rất băn khoăn giữa việc có nên nghỉ việc để rút BHXH một lần hay không? Anh Nam đã có gần 20 năm tham gia BHXH, hiện mức thu nhập khoảng 40 triệu đồng/tháng. Nếu rút BHXH một lần, anh sẽ có trong tay một khoản tiền lớn do anh đóng BHXH trên thu nhập thực tế.
Anh chia sẻ: “Tôi từng nghĩ với số tiền BHXH một lần để khởi nghiệp, nhưng cuối cùng tôi chọn giữ công việc và hưởng hưu khi về già, bởi dù số tiền lớn nhưng chưa chắc khi nghỉ sẽ tìm được công việc có mức thu nhập tương đương. Tiền rút ra cũng sẽ xài hết, tôi còn 3 con nhỏ nên phải ưu tiên nguồn thu nhập ổn định để lo cho các con đến lúc lớn. Mặt khác, do đóng BHXH trên thu nhập thực tế nên tôi rất an tâm mức lương hưu sau này của mình sẽ đủ sống”.
Theo anh Nam, thực tế không riêng gì anh, nhiều công nhân trong công ty cũng nháo nhào khi nghe tin sau 2025 có thể sẽ không được rút 100% BHXH một lần nữa nhưng cuối cùng số lượng chọn ở lại vẫn chiếm đa số bởi giai đoạn này, tìm việc có mức lương khá rất khó, đặc biệt là công ty còn tạo điều kiện để công nhân phấn đấu trở thành quản lý để được tăng lương. Bởi anh Nam cũng từ công nhân mà lên.