Những con phố ngang dọc trên đất phổ cổ giữa lòng Hà Nội đều có đặc trưng không dài, phố Hàng Thiếc cũng vậy. Đầu này là ngã ba Hàng Nón, đầu kia là ngã tư Bát Đàn – Thuốc Bắc. Nhà trên khu phố này phần lớn đều là nhà cổ có gác nhỏ theo kiểu chồng diêm, kèm mái hứng nước mưa vào bể chứa trong sân.
Xưa kia, nền nhà phố Hàng Thiếc thấp, hễ mưa to là sân ngập trong nước đến vài ngày mới rút hết. Vì thế mà các nhà đều ẩm thấp lắm muỗi. Sau năm 1920, khu nhà trong phố cổ mới có đèn điện và vài năm tiếp theo trở đi mới có ống nước máy đặt trong nhà. Nhà ở phố Hàng Thiếc được xây dựng lại theo kiểu mới vào khoảng trước những năm 1930, sau đó dần dần các nhà khác xây theo.
Được gọi là Hàng Thiếc vì con phố này là phố của thợ thủ công chuyên nghề đúc thiếc làm đồ gia dụng. Những sản phẩm nổi tiếng của con phố này được nhiều người biết đến như đèn thắp dầu lạc, cây nến, lư hương, ấm pha chè, khay đựng đồ uống chè, bao chè, chóp nón,… Những người thợ thủ công ở đât đa số là người làng Phú Thứ, huyện Hoài Đức, Hà Đông.
Sau này, nghề làm thiếc mai một dần, người ta chuyển sang làm hàng bằng sắt tây (sắt tráng thiếc). Chính vì thế, trong thời gian người Pháp ở Hà Nội, họ đặt tên con phố này là Rue des Ferblantiers (phố Thợ làm hàng sắt tây) nhưng mà ta thì cứ gọi theo tên cũ là phố Hàng Thiếc.
Bấy giờ, khi người dân đã quen với việc dùng đèn dầu hoả, nghề làm hàng bằng sắt tây mới thịnh hành. Và những thùng đựng dầu là nguyên liệu cho thợ thủ công ở phố Hàng Thiếc. Những chiếc sắt tây thùng cũ đó không đóng đai bán cho người ta gánh nước thì cũng dùng để gò chậu giặt, gáo múc nước,…
Thời ấy, cứ sắp đến Tết Trung thu thì phố Hàng Thiếc lại nhộn nhịp vì các nhà dùng sắt tây cắt vụn để làm các món đồ chơi cho trẻ con như ô tô, xe lửa, tàu thuỷ, đèn quả đào có cô tiên, đèn bướm, thỏ đánh trống, đoàn lính,… Càng trở về sau, phố Hàng Thiếc còn mọc thêm các cửa hàng làm đồ gia dụng bằng tôn kẽm. Chất liệu này lâu gỉ và bền hơn sắt tây nhiều.
Những cửa hàng gò hàn ở con phố Hàng Thiếc này không có nhà kinh doanh lớn không phải vì họ không có kinh phí mà do thợ làm tôn sắt không cần nhiều vốn, nguyên liệu và kỹ thuật đều rẻ, chỉ mất phần công gò hàn nhiều. Cho nên đến tận bây giờ, các cửa hàng trên phố Hàng Thiếc vừa thực hiện công việc gò hàn ngay trong nhà vừa làm chỗ tiếp khách mua hàng. Xưa kia bên cạnh những lò than hồng, tiếng đập thùng thùng vang vọng khắp cả con phố. Đồ làm xong cứ treo trên tường hoặc bày ra hết trước cửa mà bán.
Đến sau những năm 1930, phố Hàng Thiếc có thêm các nhà buôn tôn kẽm tấm, kính tấm lớn, kính hoa lắp cửa cho các ngôi nhà hiện đại. Từ ấy, con phố gõ là ra tiền này có thêm nghề tráng gương, mài kính gương. Thuở ấy, nhiều nhà nhanh nhẹn mua được hàng kính và gương từ Hải Phòng của Công ty Thuỷ tinh Viễn Đông hoặc mua của hãng bên Pháp ăn nên làm ra, giàu có nhanh chóng.
Từ các đồ gia dụng bằng sắt tây, tôn kẽm, đến bán kính, gương, rồi làm máng ống nước, nhiều nhà còn thầu luôn cả các thiết bị nhà tắm, nhà vệ sinh bằng sứ, đưa thợ đến nhà sửa chữa, lắp đặt tận nơi. Nhiều năm trở lại đây, phố Hàng Thiếc bán nhiều vật dụng làm từ inox mẫu mã đa dạng và kiểu dáng bắt mắt hơn.
Có thể nói hàng Thiếc là một trong những con phố cổ ít đổi thay nhất ở Hà Nội. Trăm năm trước người ta làm thiếc, ngày nay vẫn bán các mặt hàng kim loại như tôn, inox… Nếu như Tết Trung thu nơi đây có bán tàu thuỷ sắt tây thì hiện tại, sắp đến dịp Tết Nguyên đán, nhiều mặt hàng như thùng, hòm inox, khuôn bánh, chảo, khay, muôi, thùng hoá vàng mã inox,… vẫn được bày bán rộn ràng trên con phố ồn ào đầy những tiếng chan chát, thùng thùng từ đầu phố đến cuối phố này.