Tại Phiên họp thứ 7 “Góp ý dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi)” của Hội đồng khoa học của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhiều ý kiến chuyên gia cho rằng, việc quy định giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm nhằm gia tăng số người được hưởng lương hưu là hoàn toàn phù hợp và cần thiết.
Dự thảo Luật Bảo hiểm xã hội (sửa đổi) dự kiến được kết cấu gồm 10 chương và 136 điều. Một trong những điểm mới của dự thảo luật lần này là giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng lương hưu.
Theo đó, tại Điều 64, dự thảo Luật đã sửa đổi theo hướng quy định người lao động khi đủ tuổi nghỉ hưu mà có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng lương hưu hằng tháng.
Quy định này nhằm tạo cơ hội cho một số nhóm đối tượng bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội muộn (45-47 tuổi mới bắt đầu tham gia) hoặc tham gia không liên tục hoặc làm công việc dặc thù có thời gian làm nghề ngắn dẫn đến khi đến tuổi nghỉ hưu vẫn không tích lũy đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội cũng có cơ hội được hưởng lương hưu hằng tháng và được bảo đảm bảo hiểm y tế.
Tạo điều kiện cho nhiều người hơn được hưởng lương hưu
Đồng tình với quy định tại dự thảo, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm – Trưởng Bộ môn Lao động và an sinh xã hội – Đại học Luật Hà Nội cho rằng, điều kiện 20 năm đóng bảo hiểm xã hội để được hưởng chế độ hưu trí hàng tháng là khá dài không phù hợp, đặc biệt là những người tham gia thị trường lao động muộn hoặc làm công việc không ổn định.
Điều kiện để hưởng chế độ hưu trí này cùng với hoàn cảnh kinh tế khó khăn đã khiến nhiều người lao động – phải quan tâm đến những nhu cầu trước mắt – nản lòng trong quá trình theo đuổi đóng góp cho hệ thống bảo hiểm xã hội để được hưởng hưu trí trong tương lai khi về già. Đây là một trong những lý do dẫn đến việc nhiều người lao động đã dừng lại, không theo đuổi việc đóng bảo hiểm để hưởng bảo hiểm hưu trí.
So sánh với pháp luật của một số nước, PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm cho biết, mức thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm hưu trí của Việt Nam cũng được xem khá là dài.
Bởi vậy, việc sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội tối thiểu để hưởng bảo hiểm xã hội hưu trí là cần thiết. Dự thảo Luật sửa đổi theo hướng giảm thời gian đóng từ 20 năm xuống 15 năm là hợp lý.
“Việc giảm thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng hưu trí hàng tháng không chỉ tạo cơ hội cho nhiều người hơn được hưởng lương hưu (vì thời gian đóng không quá dài) mà còn khuyến khích người lao động tham gia đóng bảo hiểm, trường hợp có nghỉ việc cũng sẽ bảo lưu thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tiếp tục tham gia bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu hằng tháng” , PGS.TS. Trần Thị Thúy Lâm nhấn mạnh.
Chuyển từ tư duy “lương hưu đủ sống tối thiểu” sang “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít”
Cùng quan điểm, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ, chuyên gia pháp luật nhận định, việc giảm điều kiện thời gian đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm là một trong những giá trị lớn nhất về an sinh xã hội mà việc sửa đổi Luật lần này mang lại. Điều này cũng chính là để thể chế hóa quan điểm của Đảng tại Nghị quyết số 28-NQ/TW.
Theo PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ thậm chí có thể nghiên cứu giảm xuống còn 10 năm ở ngay lần sửa đổi này. Nếu giảm như vậy, có thể tư duy xây dựng chính sách về bảo hiểm xã hội cần phải thay đổi.
Tức là phải đổi mới, chuyển tư duy từ lâu nay rằng “lương hưu phải bảo đảm mức sống tối thiểu” của người nghỉ hưu sang tư duy “đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít” và “tham gia bảo hiểm xã hội không bao giờ là muộn” .
Theo đó, PGS.TS. Đinh Dũng Sỹ đề xuất có thể nghiên cứu, quy định theo hướng: Luật có thể quy định những người tham gia bảo hiểm xã hội từ trước ngày Luật sửa đổi này có hiệu lực thì điều kiện hưởng lương hưu là 15 năm đóng bảo hiểm xã hội theo nguyên tắc thông lệ từ trước tới nay là lương hưu bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động; đối với những người tham gia bảo hiểm xã hội sau ngày Luật này có hiệu lực thì điều kiện hưởng là 10 năm đóng bảo hiểm xã hội, và mức trả bảo hiểm sẽ theo nguyên tắc đóng nhiều hưởng nhiều, đóng ít hưởng ít.
Giảm số năm đóng bảo hiểm xã hội để hưởng lưu hưu là phù hợp
Nêu quan điểm về nội dung này, TS. Phạm Minh Huân, nguyên Thứ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cho rằng, việc giảm điều kiện số năm tham gia đóng bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu từ 20 năm xuống 15 năm theo Nghị quyết Trung ương là phù hợp với thực tế khi thị trường lao động của nước ta còn ở giai đoạn đầu phát triển nhằm tạo cơ hội cho những người tham gia bảo hiểm xã hội muộn hoặc quá trình tham gia không liên tục có thời gian đóng ngắn được hưởng lương hưu thay vì rút bảo hiểm xã hội một lần.
Tuy nhiên, do thời gian tham gia ngắn nên lương hưu của các đối tượng này chắc chắn sẽ thấp. Do đó, TS. Phạm Minh Huân lưu ý, cần nghiên cứu có khoản trợ cấp hỗ trợ thêm từ quỹ bảo hiểm xã hội hay nhà nước để các đối tượng này đảm bảo cuộc sống.
Cũng tại hội thảo, các chuyên gia còn góp ý vào một số nội dung trọng tâm của dự thảo luật như: Bổ sung trợ cấp hưu trí xã hội để hình thành bảo hiểm xã hội đa tầng; Mở rộng đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc; Bổ sung quyền lợi hưởng các chế độ ốm đau, thai sản đối với người hoạt đọng không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn; Bổ sung chế độ thai sản vào chính sách bảo hiểm xã hội tự nguyện; Bổ sung quy định quản lý thu, đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc và bảo hiểm xã hội tự nguyện nhằm xử lý tình trạng trốn đóng bảo hiểm xã hội; Căn cứ đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc;…./.