7F843E2B84 Jpeg

Chủ tịch tỉnh Long An tiết lộ lý do thu hút được nhiều dự án FDI lớn

Chủ TịCh TỉNh Long An TiếT Lộ Lý Do Thu HúT đượC NhiềU Dự áN Fdi LớN - ẢNh 1.

Tại hội nghị công bố quy hoạch tỉnh giai đoạn 2021-2030, tầm nhìn 2050 và hội nghị xúc tiến đầu tư, tỉnh Long An đã trao Chủ trương đầu tư, Giấy chúng nhận đfâu tư cho 9 dự án quy mô lớn. Ảnh Nhật Bắc

9 dự án lớn sắp “rót vốn” vào Long An

Chia sẻ với báo chí sau hội nghị công bố quy hoạch xúc tiến đầu tư vào tỉnh giai đoạn 2021 – 2030, tầm nhìn 2050, ông Nguyễn Văn Út, Chủ tịch UBND tỉnh Long An cho biết, mặc dù kinh tế thế giới và trong nước vẫn còn nhiều khó khăn nhưng tại hội nghị xúc tiến đầu tư vừa qua, tỉnh Long An đã thu hút được 9 dự án đầu tư với quy mô vốn đăng ký trên 40.400 tỷ đồng (tương đương hơn 1,7 tỷ USD). Đồng thời có khoảng 10 nhà đầu tư cũng đã ký kết với tỉnh trong nghiên cứu, đề xuất dự án đầu tư trong thời gian tới.

Theo ông Út, lý do tỉnh Long An dẫn đầu khu vực và đứng thứ 10 cả nước trong thu hút nguồn vốn FDI là do Long An có vị trí cửa ngõ duy nhất bằng đường bộ nối giữa TP.HCM, vùng Đông Nam Bộ với các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Bên cạnh đó, tỉnh Long An có đường biên giới giáp với Campuchia, có Khu kinh tế cửa khẩu Long An, trong đó có cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp, cửa khẩu phụ Long Khốt và quy hoạch nhiều khu chức năng có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế biên mậu.

Cùng với đó, tỉnh Long An cũng có lực lượng lao động trẻ với hơn 1 triệu người, với tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt trên 71%; môi trường đầu tư thông thoáng, chỉ số năng lực cạnh tranh (PCI) đứng Top 10 các tỉnh, thành phố có PCI tốt nhất năm 2022.

Để chuẩn bị đất sạch bố trí cho nhà đầu tư, tỉnh Long An đã đầu tư 34 khu công nghiệp (KCN) với diện tích trên 9.200ha. Trong đó 24 KCN đủ điều kiện tiếp nhận đầu tư với diện tích đất công nghiệp gần 4.300ha, tỷ lệ lấp đầy đạt 65,2%. Toàn tỉnh cũng có 17 cụm công nghiệp đang hoạt động, 27 cụm công nghiệp đang xây dựng hạ tầng với tổng diện tích trên 2.100ha. Các cụm công nghiệp đang hoạt động đã thu hút được 688 dự án với tổng diện tích đất đã cho thuê hơn 800ha; tỷ lệ lấp đầy của các cụm công nghiệp hoạt động đạt 87,5%.

Ngoài ra, tỉnh Long An cũng đưa vào quy hoạch phát triển mới 28 cụm công nghiệp, với tổng diện tích hơn 1.800ha, nâng tổng diện tích cụm công nghiệp trên địa bàn lên gần 4.000ha.

Bên cạnh đó, Long An còn tập trung hoàn thiện, đồng bộ và hiện đại cơ sở hạ tầng để cùng các nhà đầu tư khai thác các lợi thế và tiềm tiềm năng của tỉnh. Quy hoạch tỉnh Long An thời kỳ 2021-2030 tập trung xây dựng 6 trục động lực: Trục động lực Vành đai – Vành đai 4, trục động lực song hành Quốc lộ 62, trực động lực Mỹ Quý Tây – Lương Hoà – Bình Chánh, trục động lực Quốc lộ N1, trục động lực Đức Hoà. Không chỉ vậy, Tỉnh còn tập trung nâng cấp 53 tuyến đường tỉnh hiện hữu và xây dựng 29 tuyến đường tỉnh nhằm kết nối, giao thương hàng hoá với các vùng trên địa bàn và các địa phương trong vùng.

“Với kết cấu hạ tầng ngày càng hoàn thiện, định hướng phát triển rõ ràng, minh bạch; cùng với sự hỗ trợ, đồng hành của chính quyền địa phương…, tôi tin chắc rằng, Long An sẽ mang tới cơ hội quý báu cho các nhà đầu tư”, người đứng đầu chính quyền tỉnh Long An kỳ vọng.

Chủ TịCh TỉNh Long An TiếT Lộ Lý Do Thu HúT đượC NhiềU Dự áN Fdi LớN - ẢNh 2.

Long An có vị trí giáp ranh với TP. HCM, có cơ sở hạ tầng tương đối tốt, đây là điều kiện tiên quyết để Long An đẩy mạnh thu hút đầu tư. Ảnh Mạnh Hùng

Nhà đầu tư đánh giá cao tiềm năng đầu tư tại Long An

Theo ông David Lewis, người sáng lập và Giám đốc điều hành của Energy Capital Vietnam (ECV), Việt Nam đang trải qua thời kỳ khôi phục nền kinh tế sau đại dịch COVID-19 và trở thành một trong những điểm đến sản xuất hàng đầu trên thế giới khi các tập đoàn toàn cầu tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng.

Do vậy, việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và hướng đến xây dựng các khu công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn Net-Zero toàn cầu là một thách thức và cũng là cơ hội để Việt Nam nhanh chóng bứt phá trở thành một điểm đến mới cho các nhà đầu tư Hoa Kỳ và Châu Âu, vì đây là các thị trường đòi hỏi tiêu chuẩn nhập khẩu đạt chuẩn xanh toàn cầu.

ECV được cấu trúc để tận dụng kinh nghiệm sâu rộng trong ngành năng lượng, cùng với các đối tác doanh nghiệp lớn của Hoa Kỳ hoặc các đồng minh với Hoa Kỳ để cung cấp các dự án tốt nhất nhằm hỗ trợ Việt Nam đạt được các mục tiêu về năng lượng và khí hậu, khát vọng trung hoà Carbon Net-Zero.

“Đón đầu xu hướng sản xuất xanh, ECV cùng SAIGONTEL xây dựng và phát triển các khu công nghiệp xanh đạt tiêu chuẩn Net-Zero toàn cầu trên địa bàn tỉnh Long An. Trước mắt, chúng tôi sẽ thí điểm mô hình này tại khu công nghiệp Tân Tập và Nam Tân Tập”, ông David Lewis cho hay.

Được biết, ECV, là một công ty trong các đơn vị hàng đầu Hoa Kỳ trong lĩnh vực đầu tư và phát triển năng lượng sạch, có trụ sở tại Houston.

Là một nhà đầu tư đang triển khai dự án tại tỉnh Long An, ông Jinhak Kim, Phó Chủ tịch, GS Energy (Hàn Quốc) cho biết, tháng 6/2021, GS Energy và VinaCapital Group đã thành lập Công ty TNHH Tập đoàn Năng lượng Long An để thực hiện các thủ tục đầu tư Nhà máy điện khí LNG Long An I & II.

“Vào tháng 9/2022, chúng tôi đã nộp Báo cáo Nghiên cứu Khả thi cho Bộ Công Thương và trải qua nhiều vòng thẩm định, đang chờ được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để tiến tới khởi công xây dựng kịp thời cung cấp nguồn năng lượng bổ sung cho địa phương”, ông Jinhak Kim nói .

Theo Sở Kế hoạch và Đầu tư Long An, dự án Nhà máy điện LNG Long An I và II với diện tích khoảng 85ha tại xã Phước Vĩnh Đông, huyện Cần Giuộc, tỉnh Long An. Dự án này được UBND tỉnh Long An ban hành Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư cho Nhà đầu tư vào đầu năm 2021. Dự án được thực hiện bởi VinaCapital GS ENERGY PTE. LTD; Tổ chức kinh tế thực hiện dự án đầu tư là Công ty TNHH Tập đoàn Năng lượng Long An; mục về mục tiêu: Sản xuất điện; Truyền tải và phân phối điện; quy mô: Công suất thiết kế: 3.000MW, trong đó: Dự án Nhà máy điện LNG Long An I: khoảng 2x750MW; Dự án Nhà máy điện LNG Long An II: khoảng 2x750MW.

Tiến độ thực hiện dự án theo Giấy chứng nhận đầu tư: Tổ máy số 1 và 2, Nhà máy Nhiệt điện LNG Long An 1 sẽ đi vào vận hành thương mại vào tháng 12/2025 và tháng 6/2026;

Tổ máy số 1 và 2, Nhà máy nhiệt điện LNG Long An 2 sẽ được đưa vào vận hành vào tháng 12/2026 và tháng 6/2027, để đạt tiến độ trên, dự kiến đầu năm 2023, nhà máy được khởi công xây dựng, tuy nhiên đến thời điểm này dự án vẫn chưa được khởi công xây dựng.

Nhận định về tiềm đầu tư tại tỉnh Long An, ông Võ Quốc Thắng, Chủ tịch HĐQT Đồng Tâm Group cho rằng: Long An có vị trí đặc biệt quan trọng, là cửa ngõ giữa vùng ĐBSCL và Đông Nam Bộ; với lợi thế trên, Quy hoạch tỉnh định hướng Long An trở thành cửa ngõ, trung tâm trung chuyển hàng hóa, kho bãi kết nối các tỉnh thuộc vùng ĐBSCL với TP. HCM, vùng Đông Nam Bộ và thị trường Campuchia; Là đầu mối xuất khẩu nông – thủy sản của vùng ĐBSCL. Do đó, lĩnh vực logistics được tỉnh Long An định hướng phát triển trở thành ngành dịch vụ quan trọng, kết nối và thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của tỉnh Long An nói riêng, vùng ĐBSCL nói chung.

Cảng Quốc tế Long An có vai trò là bến cảng biển tổng hợp, đã góp phần hình thành mắt xích quan trọng trong hạ tầng logistics của tỉnh Long An và vùng ĐBSCL – khu vực đang chiếm tỷ trọng xuất nhập khẩu hàng nông – thủy sản lớn nhất cả nước.

Để phát huy được hiệu quả của cảng Long An, ông Thắng đề nghị địa phương sớm quan tâm đầu tư nạo vét, duy tu luồng Soài Rạp đạt độ sâu đến âm 11.5 mét để đón được tàu 50.000 tấn; sớm phê duyệt để đưa vào hoạt động Chi cục Hải quan Cửa khẩu tại Cảng Quốc tế Long An, góp phần giảm chi phí logistics cho doanh nghiệp.

Đồng thời ông Thắng cũng kiến nghị Bộ GTVT xem xét, rà soát về độ tĩnh không cầu trên các tuyến luồng giao thông đường thủy nội địa, nhằm tạo sự thuận lợi trong lưu thông đường thủy, phát huy phương thức vận tải đường thủy với chi phí thấp, góp phần giảm áp lực lên giao thông đường bộ.

Các dự án lớn sắp “rót vốn” vào tỉnh Long An

– Liên danh Công ty TNHH MTV Đầu tư và Phát triển DB và Công ty CP Tập đoàn Ecopark với dự án Khu đô thị sinh thái, thương mại, du lịch; tại xã Thanh Phú, huyện Bến Lức; tổng vốn đăng ký 16.891 tỷ đồng (tương đương 720 triệu USD).

– Công ty CP đầu tư Thái Tuấn với dự án Nhà máy hoàn thiện sản phẩm dệt Thái Tuấn; tại Khu công nghiệp Đức Hòa III-Slico, xã Đức Lập Hạ, huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 12.800 tỷ đồng (tương đương 542 triệu USD).

– Công ty TNHH nước giải khát Suntory Pepsico Việt Nam với dự án Suntory Pepsico Long An; tại Khu Công nghiệp Hựu Thạnh, xã Hựu Thạnh, huyện Đức Hòa; với tổng vốn đăng ký 4.374 tỷ đồng (tương đương 185 triệu USD).

– Công ty TNHH MV-Pluto với dự án Nam Thuận Logistics Park, tại Khu Công Nghiệp Nam Thuận, Xã Đức Hòa Đông, Huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 1.560 tỷ đồng (tương đương 66 triệu USD).

– Công ty TNHH Việt Nam Yokorei với dự án Kho lạnh Việt Nam Yokorei tại Khu công nghiệp Phú An Thạnh, xã An Thạnh, huyện Bến Lức; tổng vốn đăng ký 1.229 tỷ đồng (tương đương 52 triệu USD).

– Công ty TNHH MV-Neptune với dự án Nam Thuận Logistics Park tại Khu công nghiệp Nam Thuận, xã Đức Hòa Đông, huyện Đức Hòa; tổng vốn đăng ký 1.076 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD).

– Công ty TNHH Aeon Việt Nam với dự án Trung tâm thương mại Aeon Tân An, tại phường 6, thành phố Tân An; tổng vốn đăng ký 1.076 tỷ đồng (tương đương 45 triệu USD).

– Công ty TNHH Kido Long An với dự án Nhà máy sản xuất dầu ăn thực vật và bánh kẹo tại KCN Đông Nam Á, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tổng vốn đăng ký 800 tỷ đồng (tương đương 34 triệu USD).

– Công ty Cổ phần LAVOI với dự án Nhà máy dầu thực vật Long An tại KCN Đông Nam Á, xã Tân Tập, huyện Cần Giuộc, tổng vốn đăng ký 500 tỷ đồng (tương đương 21 triệu USD).

Các nhà đầu tư ký kết ghi nhớ nghiên cứu, đề xuất đầu tư gồm: Ngân hàng Việt Nam Thịnh vượng (VP Bank), Công ty CP Mikgroup, Energy Capital Vietnam, Tập đoàn Vingroup. Tập đoàn Bim Group, Công ty TNHH phát triển Phú Mỹ Hưng, Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH Samsung Engineering, Công Ty Cổ Phần Đầu Tư Và Thương Mại Green Royal.

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *