Big Wind được đánh giá là “chiến thần” cứu hỏa và từng làm nên lịch sử khi dập tắt 9 đám cháy lớn tại các giếng dầu.
Big Wind được đánh giá là “chiến thần” cứu hỏa và từng làm nên lịch sử khi dập tắt 9 đám cháy lớn tại các giếng dầu.
Xe cứu hỏa Big Wind được tạo nên từ một chiếc xe tăng lớn.
Những đám cháy lớn từ giếng dầu không thể dập tắt bằng xe cứu hỏa thông thường. Tuy nhiên, trên thế giới có một chiếc xe có thể làm được điều này. Nó được gọi là Big Wind, “chiến thần chữa cháy” màu đỏ được tạo nên từ một chiếc xe tăng lớn.
Được biết, Big Wind vốn là một chiếc xe tăng T34, được lắp thêm 2 động cơ của máy bay phản lực MiG 21. Xe được thiết kế bởi một nhóm kỹ sư người Hungary và là minh chứng cho thấy sự sáng tạo trong công nghệ cùng nhiều kỹ thuật hiện đại của thế giới. Theo Oddity Central, Big Wind là một trong những chiếc xe cứu hỏa có thủy lực mạnh nhất trên toàn cầu.
Xe cứu hỏa Big Wind.
Vào tháng 2/1991, khi 700 giếng dầu của Kuwait bị phá hủy, có rất nhiều thùng dầu bị đốt cháy mỗi ngày trong khoảng 30 tuần, những ngọn lửa có thể cao tới hơn 91 mét và thải ra một lượng khói đen khổng lồ vào không khí. Thời điểm đó, bầu trời vào giữa trưa cũng có thể ngập tràn trong “bóng đen”.
Nhiệt độ ngọn lửa khi đó có thể đạt tới 1.093 độ C. Không khí xung quanh cũng có thể ở mức hơn 343 độ C. Trong bối cảnh như vậy, việc dập tắt đám cháy là một nhiệm vụ gần như bất khả thi.
Chính bởi vậy, chỉ có một chiếc xe chữa cháy đặc biệt mới có thể xử lý. Lúc này, xe tăng T34 đã được trưng dụng và Big Wind đã ra đời như vậy. Được biết, tháp súng của xe tăng được tháo bỏ, thay bằng bệ đỡ cho 2 động cơ máy bay MiG 21 – mỗi chiếc dài 3 mét. Phía sau bệ đỡ là cabin điều khiển nhỏ – đủ diện tích cho một thợ máy. Phía trên 2 động cơ là 6 vòi phun nước rất mạnh. Chiếc xe cứu hỏa này được ví như cỗ xe bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng.
Theo thông tin trên trang Car and Driver, từng có một cỗ xe cứu hỏa có thể dập tắt các đám cháy giếng dầu và khí đốt bằng cách sử dụng một động cơ phản lực MiG-15 gắn vào gầm của một chiếc xe tải lớn.
Vì vậy, lấy cảm hứng từ ý tưởng này, công ty MB Drilling của Hungary đã phát triển một phiên bản cải tiến với 2 động cơ phản lực.
Chiếc xe cứu hỏa này được ví như cỗ xe bước ra từ một bộ phim khoa học viễn tưởng.
Được biết, Big Wind không thể sử dụng trong các vụ cháy nhà bình thường vì nó rất có thể gây tác hại nhiều hơn. Nguyên nhân là bởi 2 động cơ phản lực của nó có thể tạo ra lực đẩy khổng lồ, vận tốc dòng nước qua 6 vòi phun lên tới 1240km/h – hoàn toàn có khả năng thổi bay cửa sổ và cửa ra vào, thậm chí là tường nhà.
Vì vậy Big Wind là cỗ xe được thiết kế đặc biệt để dập tắt các đám cháy giếng dầu. Các luồng không khí mạnh mẽ được bơm ra từ hai động cơ phản lực, cùng với nước của sáu vòi phun đủ để dập tắt các ngọn lửa lớn.
Big Wind được đánh giá là chiếc xe cứu hỏa mạnh hàng đầu trong lịch sử.
Để vận hành, Big Wind cần một đội gồm 3 người: tài xế lái xe, một thợ máy điều khiển bệ động cơ và một người khác đứng dưới đất để điều khiển vòi phun.
Việc vận hành cũng không hề đơn giản. Được biết, tất cả thành viên trong đội đều phải mặc đồ chống cháy để bảo vệ bản thân khỏi sức nóng khủng khiếp. Họ phải đeo găng tay chuyên dụng để tránh bị bỏng. Các thành viên cũng được trang bị thiết bị đặc biệt để có thể thường xuyên xác nhận tình trạng của bản thân trong quá trình hoạt động.
Theo Oddity Central, Big Wind từng làm nên lịch sử khi dập tắt 9 đám cháy lớn tại các giếng dầu. Nó được đánh giá là chiếc xe cứu hỏa mạnh hàng đầu trong lịch sử.
- Tại sao xe cứu hỏa lại có màu đỏ?
- Các robot cứu hỏa trên thế giới
- Người xưa chống “bà hỏa” ra sao?