Vậy nên, dạy trẻ kỹ năng phòng tránh bị bắt cóc và cách đối phó khi gặp tình huống này là điều được nhiều phụ huynh quan tâm.
Chuyên gia cho rằng, việc giáo dục kỹ năng phòng chống bắt cóc cho trẻ là vô cùng cần thiết. Báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với PGS.TS Trần Thành Nam – chuyên gia tâm lý, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Giáo dục (ĐHQGHN) về vấn đề này.
Mang đến không gian an toàn
– Thưa ông, thời gian qua, liên tiếp các vụ bắt cóc trẻ em xảy ra, thậm chí ngay cả tại Thủ đô. Ông có thể đưa ra yếu tố cần thiết giúp bảo vệ trẻ khỏi kẻ xấu?
PGS.TS Trần Thành Nam: Thông thường, những kẻ bắt cóc là tội phạm chuyên nghiệp sẽ trấn áp về mặt tâm lý. Chúng có thể khiến trẻ cảm thấy sợ hãi, bị đánh gục về mặt ý chí, về mặt phản kháng và không giữ được sự bình tĩnh.
Người lớn luôn cần chú ý và cẩn trọng với những mối nguy đối với con trẻ, đặc biệt trong thời điểm hiện nay, khi những mối nguy trên mạng xã hội và ở trong cuộc sống thực ngày càng trộn lẫn.
Thông tin của trẻ có thể bị tiết lộ trên mạng. Thông tin cá nhân của chúng ta cũng bị lộ quá nhiều, dẫn đến những nguy hiểm cho trẻ trong cuộc sống thực.
Chúng ta nên dạy trẻ biết chơi ở một không gian có nhiều bạn, an toàn, thay vì một mình ở chỗ vắng vẻ. Trong khu phố thường phải có những khu vực cho trẻ nhỏ vui chơi. Đó là nơi người lớn để mắt đến. Đó mới là khu vực để cho con chơi.
Song, chúng ta lại không có được những điều kiện đó. Nói một cách rộng hơn, hiện tại, có rất nhiều không gian dành cho trẻ đang được sử dụng cho các mục đích khác.
Để phòng chống, bảo vệ trẻ khỏi những mối nguy, người lớn cần tạo ra cho trẻ những không gian vui chơi, thực hành với bạn bè an toàn ngoài giờ học. Từ đó, giúp con thực hiện, thực hành kỹ năng đã được học tập trên trường.
Trẻ nhỏ phải có không gian để vui chơi. Bố mẹ không thể vì tất cả nỗi lo này mà lại nhốt con ở trong nhà một mình được, sẽ khiến con càng đuối về mặt kỹ năng.
Mỗi khu dân cư cần tạo ra một không gian an toàn, có được sự giám sát của các thành viên ở cộng đồng để đảm bảo an toàn cho trẻ. Trong không gian này, trẻ nhỏ được chơi đùa với nhau. Qua đó, trẻ cũng thực hành các kỹ năng xã hội, như nhận diện tình huống nguy hiểm và cách thức để tìm kiếm sự giúp đỡ.
Đối với các nhà trường, ngoài chương trình giáo dục bắt buộc chính khóa cần có thêm những chương trình giáo dục ngoài giờ. Ở đó, tuỳ vào mỗi cấp mà chúng ta sẽ hướng dẫn trẻ những vấn đề liên quan đến sự an toàn của trẻ mà đặc trưng cho từng lứa tuổi.
Ở lứa tuổi mầm non và tiểu học, có thể hướng dẫn trẻ cách bảo vệ bản thân khỏi xâm hại tình dục và bắt cóc. Cấp THCS là các vấn đề liên quan đến tình bạn, tình yêu, tình dục rồi bạo lực học đường. Hay, cấp THPT lại có những vấn đề về các mối nguy khác. Tùy mỗi cấp mà cần có nhiều hoạt động giúp cho các con được rèn kỹ năng an toàn theo đúng sự phát triển lứa tuổi.
Bên cạnh đó, về phía gia đình, các phụ huynh phải xác định có trách nhiệm đối với sự an toàn của con. Chúng ta không chỉ cung cấp cho trẻ kiến thức về kỹ năng ứng phó, mà còn phải cung cấp được cả môi trường an toàn và sự giám sát phù hợp với các con.
Rèn cho trẻ kỹ năng tự bảo vệ
– Nhiều gia đình chưa thực sự chú trọng tới việc giáo dục trẻ kỹ năng phòng chống bắt cóc. Ông có thể đưa ra lời khuyên giúp các phụ huynh hướng dẫn trẻ xây dựng kỹ năng này?
Trong tiến trình lớn lên của trẻ nhỏ, chúng ta cần rèn cho trẻ những kỹ năng tự bảo vệ. Việc dạy kỹ năng theo đúng mô hình chuẩn trước hết phải làm cho trẻ ý thức được đây là vấn đề quan trọng. Tức là, trẻ ý thức được có những nguy cơ gì, tại sao phải học kỹ năng này. Từ đó, trẻ sẽ mở rộng góc nhìn, nhìn về các mối nguy tiềm năng trong môi trường xung quanh.
Bước thứ hai, phải mô tả quy trình, kỹ năng xử lý tình huống thành lý thuyết. Ví dụ, với tình huống bị bắt cóc: Dấu hiệu nhận diện thế nào? Khi bị khống chế, con sẽ phải phản ứng ra sao, chia sẻ thông tin thế nào? Con cần làm gì để tranh thủ mọi cơ hội, tìm kiếm sự giúp đỡ?…
Bước thứ ba, phải biến những lý thuyết trên trở thành hoạt động sân khấu hóa để trẻ được làm mô phỏng, đóng vai. Từ đó, biến những kiến thức các con đang hình dung lờ mờ trong đầu được rõ ra thành những hành vi cần ứng xử trong tình huống thực.
Bên cạnh đó, cha mẹ nên có những kỹ năng khi tìm người chăm sóc con. Để bảo đảm an toàn cho trẻ nhỏ, đầu tiên phải xác định tiêu chuẩn cá nhân của gia đình với bảo mẫu, có thể bao gồm kinh nghiệm, trình độ học vấn, khả năng chăm sóc trẻ, và các yếu tố về sức khỏe và an ninh.
Tiếp theo, cần tìm hiểu ứng viên, thậm chí quan tâm đến lý lịch chung, lý lịch tư pháp xem có những vấn đề nào trong lịch sử liên quan đến bạo lực với trẻ hay không.
Cha mẹ cần có những buổi tiếp cận phỏng vấn trực tiếp để xem quan điểm, phương pháp, tình yêu thương và quan tâm tới trẻ, kiến thức về an toàn và tư duy giải quyết các vấn đề nguy cơ. Và cũng phải đặc biệt quan tâm đến lịch sử sức khỏe tâm thần của bảo mẫu.
Phụ huynh phải rà soát các điều khoản hợp đồng để bảo đảm có thể chấm dứt hợp đồng với bảo mẫu và tìm một người thay thế khi có bất cứ mối nguy nào hiện hữu. Cha mẹ cũng cần thường xuyên nói chuyện, định kỳ kiểm tra bảo mẫu, xây dựng một hệ thống liên lạc và các nguồn. Từ đó, giúp kiểm tra chéo thông tin liên quan đến mọi vấn đề lo ngại về việc chăm sóc trẻ.
Xây dựng ý thức cộng đồng
– Sau những vụ bắt cóc vừa qua, nhiều cha mẹ bày tỏ lo ngại và cho rằng, an toàn nhất là để trẻ ở nhà. Ông nhận định thế nào về quan điểm này?
Sẽ có những cha mẹ bắt đầu sợ sệt, cho rằng, tốt nhất là không đi ra ngoài, tốt nhất là không giao tiếp, vui chơi, ở nhà cho an toàn… Đây là suy nghĩ sai lầm. Không phải giữ rịt con ở nhà đã là tốt. Không nên có suy nghĩ không quản được thì cấm.
Khi trẻ không có cơ hội ra ngoài, các con càng mất đi cơ hội để rèn kỹ năng sống. Quan trọng là khi thấy môi trường ở xung quanh đứa trẻ không an toàn. Cha mẹ cần giúp cho trẻ được sống và phát triển tốt hơn, để con có một số kỹ năng cần thiết và áp dụng nó vào thực tiễn.
Cha mẹ cần hướng dẫn con nhận diện vấn đề. Khi có người lạ mặt đến gần chỗ mình, có những hành động lạ hoặc lôi kéo, dụ dỗ, bắt ép… lúc này, con phải hét lên, gây chú ý cho người khác hoặc thể hiện chống cự theo cách thức cụ thể.
Các con cũng cần được dạy phải bình tĩnh để tìm cơ hội thoát ra, nhờ sự giúp đỡ của người lớn khác. Muốn làm được điều này, bản thân bố mẹ rất cần có kiến thức và kỹ năng để giáo dục con.
Kỹ năng rất quan trọng. Bởi, thủ đoạn phạm tội có thể luôn đổi mới. Vì thế, kể cả là bố mẹ có cấm con, không cho ra ngoài thì đến lúc nào đó, chính trẻ có thể chủ động trốn đi vì lời dụ dỗ của kẻ xấu.
Bố mẹ không thể giám sát con mình 24/7. Vì vậy, điều quan trọng là phải huy động được sức mạnh cộng đồng, mọi người đều phải có trách nhiệm. Cần thiết lập các liên gia canh gác. Tức là các khu phố đều cần những người có trách nhiệm đảm bảo sự an toàn cho trẻ. Gia đình này bận rộn sẽ có gia đình khác chăm sóc trẻ.
Nhiều vấn đề như bạo lực, bắt nạt, kể cả bắt cóc… có thể xảy ra bất cứ lúc nào, ở trong bất cứ bối cảnh nào. Vì thế, chúng ta cần phải có sự cảnh giác, nhất là trong bối cảnh khó khăn như hiện nay. Cần tinh thần cộng đồng.
Cần thiết lập một hệ thống liên lạc để khi phát hiện dấu hiệu, nghi ngờ hoặc một hành vi sai trái nào đó, tất cả mọi người đều nắm được và phải có trách nhiệm cảnh báo. Điều này giúp cho cơ quan nghiệp vụ ngay lập tức vào cuộc và ngăn chặn kịp thời những hành vi tội phạm.
Cách khác là xây dựng khu vui chơi cho trẻ ở trong lòng khu dân cư và có sự giám sát của người lớn. Vấn đề này liên quan đến nội lực của từng khu dân cư và công tác quy hoạch.
Dẫu vậy, vấn đề quan trọng vẫn là xây dựng ý thức cộng đồng. Mỗi người cần tự nhận thấy trách nhiệm phát hiện ra nguy cơ bất ổn, trường hợp không bình thường, phải có trách nhiệm tố cáo bắt buộc.
Hiện nay, khi phát hiện ra các vấn đề liên quan đến trẻ em như nghi ngờ bị xâm hại, lạm dụng… người dân được phép tố cáo và lực lượng chức năng có nhiệm vụ chứng minh trường hợp này. Người tố cáo sẽ không phải chịu trách nhiệm nếu tố cáo sai.
Người dân phải được tuyên truyền, phổ biến về mặt pháp luật, pháp lý để biết và hành động bảo vệ trẻ em, nâng cao ý thức, trách nhiệm cộng đồng.
– Xin trân trọng cảm ơn ông!