Thị trường chứng khoán Việt Nam duy trì đà tăng điểm trong tuần vừa qua nhờ những tín hiệu phục hồi trong kết quả kinh doanh quý II của một số doanh nghiệp niêm yết và một vài thông tin tích cực liên quan tới cuộc họp của Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED).
Ở cuộc họp tháng 7, FED đã tiếp tục nâng lãi suất sau một tháng tạm dừng đúng như kỳ vọng của thị trường, đồng thời khẳng định vẫn đang quan tâm đến rủi ro lạm phát để ngỏ khả năng về đợt lần tăng lãi suất tiếp theo. Tuy nhiên, Chủ tịch FED cho biết các nhà kinh tế học không còn dự báo về viễn cảnh suy thoái, tạo kỳ vọng về kịch bản “hạ cánh mềm” của nền kinh tế.
Các yếu tố trên kết hợp với sự hưng phấn của nhà đầu tư sau những tuần tăng giá liên tiếp đã giúp VN-Index vượt qua ngưỡng cản tâm lý 1.200 điểm, mặc dù đã bắt đầu xuất hiện những phiên rung lắc mạnh.
Tuần vừa qua, nhóm ngành bất động sản là tâm điểm thị trường, trong đó các cổ phiếu tiêu biểu như NVL (+21,1%), DXG (+15,2%) và NLG (+3,0%) tăng điểm ấn tượng. Bên cạnh đó, VCB (+4,6%) tiếp tục làm động lực chính dẫn dắt chỉ số VN-Index khi đóng góp 4,9 điểm, theo sau là VNM (+5,3%), NVL (+21,1%), TCB (+4,6%) và VPB (+3,3%). Kết tuần, chỉ số VN-Index đóng cửa tích cực tại mốc 1.207,7 điểm (+1,8%). Cùng lúc đó, chỉ số HNX-Index tăng 1,1% lên mức 237,5 điểm và chỉ số UPCoM-Index tăng 0,9% lên mức 88,9 điểm.
Thanh khoản tăng mạnh với giá trị giao dịch bình quân của 3 sàn đạt 23.508 tỷ đồng (+15,5%). Tuần này, khối ngoại mua ròng 792 tỷ đồng trên HOSE (-31,3%). Cùng lúc đó, khối ngoại mua ròng 54 tỷ đồng (-72,5%) trên HNX-Index tuy nhiên bán ròng 1.187 tỷ đồng trên sàn UPCOM.
Thị trường có chút lưỡng lự và rung lắc đầu tuần do tâm lý nhà đầu tư thận trọng chờ đợi cuộc họp của FED về chính sách tiền tệ vào giữa tuần. Mọi thứ diễn ra đúng như thị trường kỳ vọng và sau đó VN-Index đã có nhịp tăng khá mạnh về cuối tuần và chính thức vượt mốc 1.200 điểm. Bên cạnh đó, thông tin về tăng trưởng GDP quý II của Mỹ đạt 2,4% cao hơn so với dự đoán của các chuyên gia và quý I/2023 cũng góp phần vào đà tăng trưởng của thị trường.
CTCK TPBank (TPS) đánh giá, sau khi vượt được mức cản 1.200 điểm, chỉ số sẽ hướng đến mục tiêu tiếp theo là vùng đỉnh 52 tuần. Tuy nhiên, việc liên tục bứt phá trong thời gian qua nhiều khả năng sẽ dẫn đến các nhịp điều chỉnh trong tuần tiếp theo nhằm hấp thụ áp lực chốt lời. Trong trường hợp này, ngưỡng 1.200 điểm giờ đây sẽ là hỗ trợ gần nhất cho chỉ số chung.
Trong khi đó, ông Phạm Việt Duy, Trưởng nhóm Thị trường, Khối Phân tích, CTCK VNDIRECT cho rằng, thị trường đã có một nhịp tăng điểm khá dài và đang trong trạng thái quá mua, do đó nhà đầu tư nên giữ trạng thái tâm lý tỉnh táo và hạn chế FOMO ở thời điểm này.
Theo chuyên gia của VNDIRECT, hành động phù hợp với nhà đầu tư là hạn chế mua đuổi cổ phiếu đã tăng nóng như chứng khoán, bất động sản; không cần thiết phải vội vàng bán ra nếu như thị trường và cổ phiếu chưa mất xu hướng; khi phiên phân phối xảy ra với đặc điểm thanh khoản cao và giảm hơn 10 điểm khi đóng cửa, nhà đầu tư nên cân nhắc chốt lời để có thể bảo toàn lợi nhuận.
“Khi phiên phân phối xảy ra thị trường có thể không điều chỉnh sâu nhưng sẽ cần thời gian tương đối để tích lũy trở lại để chinh phục các mốc cao hơn và vì vậy việc chốt lời bảo toàn lợi nhuận để tìm các điểm mua hợp lý sẽ là hành động tối ưu”, ông Phạm Việt Duy cho biết.
Có góc nhìn tích cực hơn, CTCK BIDV (BSC) khuyến nghị nhà đầu tiếp tục tận dụng cơ hội để tăng tỷ trọng nắm giữ ở các nhịp rung lắc cho hoạt động đầu tư trung hạn khi VN-Index vẫn tăng trong nghi ngờ và tiếp tục hướng về vùng giá cao tại 1.280 – 1.300 điểm.
Trên thị trường tài chính quốc tế, tăng trưởng GDP và lạm phát lõi xuống mức thấp nhất 2 năm tiếp tục giúp cho chứng khoán Mỹ giữ đà tăng điểm 3 tuần liên tiếp với mức tăng 1,1% của S&P 500. Diễn biến tích cực cũng lan ra các thị trường khác khi EU600 tăng 1,1%. Các thị trường châu Á đồng loạt tăng điểm, thị trường chứng khoán Trung Quốc dẫn đầu đà tăng với mức tăng 3,4%.