Võ Tắc Thiên (624 – 705) là người phụ nữ đầu tiên trong lịch sử Trung Quốc xưng đế thành công. Bà cũng được công nhận là nữ hoàng đế duy nhất trong lịch sử của quốc gia này. Với xuất phát điểm chỉ là một vị phi tần có địa vị nhỏ bé trong hậu cung của Đường Thái Tông Lý Thế Dân, Võ Tắc Thiên từng bước nỗ lực, trở thành hoàng hậu của Đường Cao Tông Lý Trị và cuối cùng trở thành hoàng đế của Võ Chu, triều đại làm gián đoạn nhà Đường.
Theo nhận định của các chuyên gia, Võ Tắc Thiên có thể được coi là một hiện tượng độc nhất trong lịch sử. Bởi từ cổ chí kim ở Trung Quốc, chưa có một người phụ nữ nào dám công khai xưng làm hoàng đế như bà. Nữ hoàng đế Võ Tăc Thiên được đánh giá là chính trị gia quyết đoán, có tài trị quốc, biết cách chiêu mộ và trọng dụng hiền tài. Dù chỉ tồn tại 15 năm, nhưng một số nhà sử học đánh giá triều đại Võ Chu của Võ Tắc Thiên đã có được hệ thống bình đẳng giới tốt hơn so với nhà Đường.
Võ Tắc Thiên là một trong những người phụ nữ quyền lực nhất trong lịch sử phong kiến ở Trung Quốc.
Võ Tắc Thiên là một nhân vật lịch sử gây nhiều tranh cãi cả về công và tội. Tuy nhiên, không thể phủ nhận rằng cuộc đời của nữ hoàng đế này quả thực ly kỳ hiếm có giữa bối cảnh xã hội phong kiến nặng nề tư tưởng trọng nam nhân.
Điều thú vị là ngay cả nơi an nghỉ của nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên cũng vô cùng huyền bí, thách thức những kẻ trộm mộ trong hơn 1.300 năm qua.
Năm 705, trước khi băng hà, theo di nguyện của nữ hoàng đế, bà mong được hợp táng vào Càn lăng cùng với chồng là Đường Cao Tông. Bia mộ của bà được yêu cầu là một tấm bia để trống hoàn toàn, sử gọi là “Vô tự bia”.
Võ Tắc Thiên lên ngôi hoàng đế vào năm 690. Bà cũng chính là nữ hoàng đế duy nhất được công nhận trong lịch sử Trung Quốc.
Theo ghi chép trong lịch sử, Càn lăng là một công trình kiến trúc đồ sộ vào thời nhà Đường. Lăng mộ này nằm ở núi Lương Sơn, huyện Càn, gần thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc). Thời kỳ Đường Cao Tông và Võ Tắc Thiên trị vì được coi là thời hưng thịnh nhất của nhà Đường. Do đó, khi Đường Cao Tông qua đời, giá trị vật tùy táng chiếm tới 1/3 quốc khố. Sau hơn 20 năm, khi nữ hoàng đế Võ Tắc Thiên qua đời, số báu vật chôn theo bà cũng chiếm 1/3 quốc khố.
Chính vì vậy, Càn lăng chính là một trong những kho báu hấp dẫn mà bọn trộm mộ thường nhòm ngó. Trên thực tế, Càn lăng đã ít nhất 17 lần bị trộm mộ tấn công đục phá, trong đó có 3 lần nghiêm trọng nhất như bị 400.000 quân đào bới, bị đặt mìn.
Lăng mộ của Võ Tắc Thiên vẫn nguyên vẹn dù nhiều lần bị trộm tấn công.
Tuy nhiên, điểm kỳ lạ là Càn lăng vẫn còn nguyên vẹn tới ngày nay và trở thành một trong những di tích khảo cổ, điểm tham quan nổi tiếng. Về điểm này, vợ chồng Võ Tắc Thiên quả thực may mắn hơn nhiều so với các vị hoàng đế nổi tiếng khác trong lịch sử. Chẳng hạn, Mậu lăng của Hán Vũ Đế, Chiêu Lăng của Đường Thái Tông… đều bị cướp phá trong thời chiến loạn.
Sự may mắn hiếm có này khiến không ít người hoài nghi rằng lăng mộ của Võ Tắc Thiên có sức mạnh thần bí bảo hộ. Tuy nhiên, sau khi tiến hành nghiên cứu, các chuyên gia tìm ra bí mật giúp lăng mộ này “bất khả xâm phạm” trong hơn 1.000 năm qua, khiến những tay trộm mộ nổi tiếng cũng phải chịu cảnh tay không ra về.
Vật liệu bí ẩn giúp Càn lăng “bất khả xâm phạm”
Càn lăng nằm ở núi Lương Sơn, huyện Càn, tỉnh Thiểm Tây (Trung Quốc).
Để tìm ra bí mật giúp Càn lăng vẫn còn nguyên vẹn sau hơn 1.000 năm, các chuyên gia đã tiến hành khảo sát và phân tích kỹ lưỡng. Họ phát hiện ra tường ở Càn lăng đều được xây bằng gạch đá vôi lớn, rắn chắc. Hơn nữa, những người thợ cổ xưa còn dùng thiếc để gắn kết và lấp kín khe hở. Sử dụng thiếc, một loại kim loại dễ uốn và dát mỏng, để kết dính các viên gạch với nhau là phát hiện khiến các chuyên gia bất ngờ.
Cho đến ngày nay, lối vào địa cung của Càn lăng, nơi yên nghỉ của Võ Tắc Thiên và Đường Cao Tông, vẫn còn là một bí ẩn.
Các chuyên gia cho biết, cách xây dựng độc đáo này khiến các viên đá liên kết với nhau chặt chẽ. Hơn nữa, Càn lăng lại nằm ở giữa sườn núi. Cả ngọn núi Lương Sơn giống như chiếc áo giáp bảo vệ cho lăng mộ. Mặt khác, dưới nhiều tầng bảo vệ lối vào Càn lăng cũng bị che giấu và đến ngày nay vẫn chưa thể tìm ra.
Sơ đồ xây dựng Càn lăng giống với quy hoạch thành phố Trường An thời nhà Đường. Các chuyên gia phát hiện có hai bức tường thành cao 5m ở bên trong và ngoài lăng mộ, góp phần củng cố sự rắn chắc cho Càn lăng. Với tất cả những lý do trên, việc những kẻ trộm mộ xâm nhập Càn lăng là điều không thể xảy ra.
Nguồn: Baidu, 163