Dự báo này vượt xa mức tăng trưởng dự kiến ở các nước phát triển (1,1% vào năm 2023 và 0,7% vào năm 2024).
HSBC đánh giá những con số này đặc biệt ấn tượng. Nhất là khi dòng tiền từ du lịch không chảy từ Trung Quốc sang Đông Nam Á như dự kiến. Ví dụ, Singapore và Thái Lan, hai điểm đến phổ biến của khách du lịch Trung Quốc, chỉ nhận lượng khách du lịch từ Trung Quốc bằng khoảng 1/3 so với trước đại dịch.
HSBC nhận định suốt 18 tháng của chu kỳ tăng lãi suất kỷ lục, triển vọng kinh tế Đông Nam Á vẫn tiếp tục nổi bật trong bối cảnh thế giới đang đối mặt với lạm phát cao và nhu cầu tiêu dùng thấp.
Ngân hàng này cho rằng 3 xu hướng dài hạn là “Thương mại – Chuyển dịch sang cân bằng phát thải – Chuyển đổi số” sẽ đảm bảo rằng Đông Nam Á vẫn là “cỗ máy” tăng trưởng của thế giới.
Với xu hướng thương mại, Đông Nam Á đã trải qua một giai đoạn dài với tư cách là một trung tâm sản xuất, và hiện chiếm khoảng 8% xuất khẩu toàn cầu. Từ năm 2020, khu vực này đã “soán ngôi” Liên minh châu Âu (EU) để trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc.
Khu vực này cũng đang hưởng lợi từ quá trình tái cơ cấu các chuỗi cung ứng toàn cầu nhờ nằm ở vị trí giao lộ của hai thỏa thuận thương mại tự do lớn nhất thế giới: Hiệp định Đối tác Kinh tế Toàn diện Khu vực (RCEP) và Hiệp định Đối tác Tiến bộ & Toàn diện xuyên Thái Bình Dương (CPTPP).
Với ưu đãi cắt giảm thuế quan và quy tắc xuất xứ hàng hóa thân thiện tạo thuận lợi cho doanh nghiệp, RCEP đang gia tăng sức hấp dẫn của Đông Nam Á trong vai trò là một cơ sở sản xuất và ngày càng nhiều doanh nghiệp nhận ra điều này. Theo một khảo sát gần đây của HSBC, trong vòng 12-24 tháng tới, doanh nghiệp ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương sẽ đặt 24,4% chuỗi cung ứng của họ tại Đông Nam Á, tăng lên từ mức 21,4% trong năm 2020
“Trong bối cảnh ngày càng nhiều doanh nghiệp tìm kiếm sự đa dạng về địa lý và áp dụng chiến lược Trung Quốc+1, Đông Nam Á sẽ tiếp tục giành thêm thị phần cũng như “miếng bánh” to hơn trong đầu tư trực tiếp toàn cầu khi tâm điểm của sản xuất toàn cầu tiếp tục dịch chuyển”, HSBC dự báo.
Theo HSBC, Đông Nam Á sẽ tiếp tục giành thêm thị phần cũng như “miếng bánh” to hơn trong đầu tư trực tiếp toàn cầu
Với chuyển dịch sang cân bằng phát thải, HSBC cho rằng đây là một xu hướng lớn khác đang mang lại nhiều cơ hội khổng lồ khi Đông Nam Á nỗ lực vươn lên trong cuộc đua “xanh hóa lưới điện”.
Theo HSBC, như vớiIndonesia và Việt Nam, việc tham gia công bố tham gia Thỏa thuận Hợp tác Chuyển dịch Năng lượng Công bằng (JETP) sẽ giúp huy động hàng chục tỷ USD từ nguồn tài chính công và tư, thúc đẩy giảm phát thải carbon của ngành điện và hỗ trợ chuyển dịch năng lượng của hai nước này.
Sáng tạo trong công nghệ sạch cũng đang phát triển nhanh chóng tại Đông Nam Á. Công nghệ sạch đang trong giai đoạn cao trào phát triển mạnh mẽ và cùng với công nghệ tài chính (fintech), các doanh nghiệp trong khu vực có cơ hội nội địa hóa công nghệ của thế giới và phổ biến rộng rãi cho thị trường trong nước.
Cuối cùng với chuyển đổi số, Đông Nam Á có một nền kinh tế số sôi động, trị giá gần 200 tỷ USD tính đến năm 2022 và kỳ vọng sẽ vượt mốc 300 tỷ USD vào năm 2025. Với 460 triệu dân (trong tổng số 600 triệu người) sử dụng internet, các doanh nghiệp đang chuyển đổi mô hình kinh doanh nhằm đáp ứng được thay đổi trong hành vi của khách hàng.
Nếu như trước đại dịch, thương mại điện tử vốn chưa đóng vai trò thiết yếu lắm trong cuộc sống, thì COVID-19 đã nhấn mạnh tầm quan trọng của sự hiện diện trên nền tảng số của một doanh nghiệp. Sự chuyển dịch sang mô hình D2C, hay còn gọi là trực tiếp đến khách hàng (direct-to-consumer), cho phép doanh nghiệp kiểm soát tốt hơn hoạt động bán hàng, marketing và đặc biệt là dữ liệu khách hàng – một yếu tố vốn không chỉ mang lại các phân tích theo thời gian thực mà còn đưa đến những dự báo chính xác.